Sức mạnh của thị trường tỷ dân
Nằm trong tổng thể của chiến lược phát triển ô-tô sử dụng năng lượng mới, ô-tô điện của Trung Quốc hiện được Chính phủ Trung Quốc áp mục riêng trong quy định Quản lý đầu tư ngành sản xuất ô-tô. Theo đó, chính quyền địa phương được trao thẩm quyền phê duyệt các dự án ô-tô điện, thông qua việc hạn chế việc huy động vốn và sử dụng hạ tầng, quy định chỉ cho phép mỗi dự án ô-tô điện mới được sản xuất tối đa 100 nghìn xe dưới chín chỗ. Mục đích là quy hoạch lại số lượng của các công ty lĩnh vực sản xuất xe điện, sau một thời gian phát triển ồ ạt về số lượng; thúc đẩy tiêu thụ căn cứ lưu lượng phương tiện giao thông của từng địa phương. Mặt khác, xúc tiến nghiên cứu phát triển và sáng tạo mẫu mã phù hợp với từng địa hình, thói quen sử dụng phương tiện.
Với thị trường khổng lồ và khát vọng vươn tầm thế giới, ngành ô-tô điện nói riêng và ô-tô sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc nói chung đang được Chính phủ nước này hết sức quan tâm. Kể từ năm 2016, ô-tô điện Trung Quốc bước vào giai đoạn "trưởng thành" sau nhiều năm phát triển ồ ạt, với những thương hiệu quốc nội mạnh như BYD, Geely, Nio. Mới đây, một chính sách mới yêu cầu tới năm 2025, sản lượng ô-tô sử dụng năng lượng mới phải đạt 25% tổng sản lượng; vào năm 2035, ô-tô điện trở thành sản phẩm tiêu thụ chủ yếu của thị trường ô-tô trong nước...
Ngoài vị thế của nước có sản lượng xe ô-tô điện dẫn đầu thế giới, Trung Quốc còn đang chiếm tới 60% thị phần sản xuất pin xe điện toàn cầu trong năm 2016. Ðơn cử, hãng pin Contemporary Amperex Technology (CATL) của Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp pin cho Tesla và nhiều hãng ô-tô điện khác. Nhờ lực đẩy của thị trường trong nước, CATL trở thành công ty sản xuất pin xe điện quy mô số một toàn cầu. Năm 2020, trong tổng công suất sản xuất pin gần 63,3 GWh của Trung Quốc, riêng CATL chiếm 50%, đạt 31,79 GWh. Ngoài hợp tác với Tesla, CATL đã gia nhập thị trường châu Âu, trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho Hà Lan, Italia, Ðức.
Sức bật từ chính sách "ba chuyển hóa"
Năm 2021 đánh dấu bước nhảy giai đoạn của ngành ô-tô sử dụng năng lượng mới Trung Quốc. Tuy bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng mức tiêu thụ của loại hình phương tiện này vẫn tăng 8% so năm 2020. Chính sách hỗ trợ kép của quốc gia và địa phương, nhất là những tiêu chuẩn bắt buộc mới, chính sách "ba chuyển hóa" gồm: điện khí hóa, thông minh hóa và chia sẻ hóa là những nhân tố mở ra các xu thế phát triển phù hợp thời đại của ngành ô-tô điện của Trung Quốc, bao gồm xu thế phát triển đồng bộ điện khí hóa - kết nối mạng - kết nối thông minh; đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc và giám sát tạm thu hồi giúp bảo đảm sự an toàn lưu thông; xe điện - chở khách, pin nhiên liệu - xe thương mại; thay pin - sạc pin phát triển song song; các hãng lớn phát triển tập trung và duy trì hợp tác…
Ðể trở thành cường quốc ô-tô, việc phát triển ô-tô sử dụng năng lượng mới là con đường bắt buộc phải đi, cùng với việc đáp ứng yêu cầu chiến lược về công tác ứng phó biến đổi khí hậu và xanh hóa môi trường. Muốn vậy, sản lượng cần đi kèm với chất lượng. Vì thế, các chính sách thúc đẩy của từng địa phương đang hướng tới nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và bố cục cơ sở hạ tầng.
Tại Thiên Tân, ngành sản xuất hydro được ủng hộ từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghiệp hóa. Thông qua Quỹ giải thưởng xây dựng cơ sở hạ tầng ô-tô năng lượng mới, căn cứ trên tài sản cố định hỗ trợ 30% trên tổng số vốn đầu tư, mỗi dự án cơ sở hạ tầng nhận được không quá 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 160.000 USD). Tại Thủ đô Bắc Kinh, việc thúc đẩy quy mô các chuỗi công nghiệp sản xuất pin nhiên liệu trở thành doanh nghiệp đầu tàu. Trong quy hoạch phát triển chuỗi công nghiệp sản xuất pin nhiên liệu 2020 - 2025, Bắc Kinh đặt mục tiêu trước năm 2025 có 5 - 10 công ty đầu tàu trong lĩnh vực này đạt tầm quốc tế, và dự kiến ra mắt 10 nghìn chiếc ô-tô chạy pin nhiên liệu, giá trị sản lượng toàn chuỗi đạt 24 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3,75 tỷ USD). Tại Thượng Hải, giai đoạn 2020-2022 hoàn thiện mạng lưới trạm sạc cho xe ô-tô điện, hoàn thành lắp đặt 100 nghìn trụ sạc pin, 45 điểm sạc kiểu mẫu cho xe taxi… và nhiều thành phố khác cũng cập nhật liên tục các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ và sử dụng xe ô-tô năng lượng mới...
Người tiêu dùng nước này là đối tượng chính sách ưu đãi hướng tới. Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải… từng có giai đoạn nới lỏng quản lý cấp chỉ tiêu mua xe dành cho ô-tô điện. Song, bước sang giai đoạn thúc đẩy sản lượng, dịch chuyển thói quen sử dụng phương tiện, tạo độ thân thiện với người tiêu dùng, nhiều địa phương đang siết chặt quản lý để tiến hành phân bổ lại thị trường tiêu thụ, hài hòa các loại hình giao thông toàn quốc.
Theo khảo sát, đại đa số những xe điện đang lăn bánh trên các tỉnh, thành phố lớn, nơi có mật độ giao thông cao đều là xe dịch vụ, hoặc taxi công nghệ. Người tiêu dùng cá nhân hiện chưa thật sự tin tưởng vào công nghệ sản xuất trong nước, nhất là những nhà sản xuất xe điện giá rẻ. Trong lộ trình tới năm 2035, tạo dựng niềm tin công nghệ, tối ưu hóa hạ tầng, thay đổi quan niệm tiêu dùng, sẽ là công việc trọng tâm của ngành ô-tô điện nói riêng và ô-tô năng lượng sạch nói chung của Trung Quốc
Theo thống kê mới nhất tại Trung Quốc, xe ô-tô thuần điện chiếm hơn 81% trong số 5,5 triệu xe ô-tô sử dụng năng lượng mới đang lưu hành; toàn quốc có tổng cộng 1,88 triệu trụ sạc, gồm 1 triệu trụ sạc của tư nhân, 880 nghìn trụ sạc công.
Tổ chức chuyên đề: Lưu Hương Giang và Lê Ðức Nghĩa.