Ðộng đất ngày càng phức tạp
Viện trưởng Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh khuyến nghị: các dạng thiên tai động đất, sóng thần, bão lũ... đang có xu hướng ngày càng nguy hiểm, điều này trước đây chúng ta chưa biết và lường hết được.
Động đất được ghi nhận từng xảy ra ở Bắc Giang năm 1968, năm 1989 ở Hòa Bình, năm 1996 ở Điện Biên, rồi năm 2005 ở Hà Giang và Nghệ An. Gần đây hơn, vào tháng 11/2019 tại khu vực huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) xảy ra động đất với cường độ 5,4 độ richter, độ sâu chấn tiêu 17 km, khiến nhiều thành phố, địa phương như: Hà Nội, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương xảy ra hiện tượng rung lắc. Hay trận động đất ngày 16/6/2020 tại Mường Tè (Lai Châu) với cường độ 4,9 độ richter cũng gây ra những thiệt hại. Trong hai ngày 27 và 28/7/2020, tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã xảy ra liên tiếp bảy vụ động đất và dư chấn động đất, với cường độ dao động từ 2,6-5,3 độ richter...
Ở góc độ chuyên môn của mình, PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo, một khi diễn biến của động đất ngày càng khó lường như vậy, các quy định trong xây dựng nhà cao tầng càng cần phải được thực hiện, giám sát thực hiện một cách chặt chẽ.
Qua tìm hiểu, từ năm 2006, Bộ Xây dựng đã xây dựng Quy định tiêu chuẩn xây dựng (TCXDVN 375:2006). Tiếp đó năm 2012, Bộ Xây dựng chuyển đổi thành Tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế công trình chịu động đất (TCVN 9386:2012) do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng biên soạn). Theo đó, mọi công trình xây dựng đều phải tuân thủ quy định này. Nếu chủ đầu tư không tuân thủ, để xảy ra sự cố khi có động đất, sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trước câu hỏi, công trình xây dựng của Hà Nội có thể chịu được động đất mức độ nào, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội từng cho biết, các công trình xây dựng gần đây đều đã tính tới động đất khi thiết kế, thi công, được tính toán kháng chấn tương đương cấp độ 7, 8. Trên thực tế, dựa vào bản đồ phân vùng động đất, từng công trình được tính toán và thiết kế chịu tác động của động đất với xác suất lớn hơn, để bảo đảm an toàn và hạn chế thiệt hại.
Tuy nhiên, trong thanh, kiểm tra quá trình xây dựng tại các nhà cao tầng thời gian qua mới chỉ phát hiện những sai phạm trong xây dựng như hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa bảo đảm, vượt quá số tầng, thiếu tầng hầm... Đó đều là những vi phạm có thể nhìn thấy được. Câu hỏi đặt ra cho các cơ quan chức năng là: Trong quá trình xây dựng, việc kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn chịu động đất trong các hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án nhà cao tầng có được làm tốt? Hay việc đánh giá bảo đảm an toàn chịu lực của công trình theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có bảo đảm?
Trên thực tế, người mua nhà hoàn toàn không có cách gì kiểm định lại được chất lượng công trình có bảo đảm sự an toàn cho họ và gia đình trước những rung chấn của động đất hay không?
Bài toán cải tạo chung cư cũ
Một vấn đề nổi cộm nữa tại các đô thị cũng được TS Nguyễn Đại Minh, nguyên Viện trưởng Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) chỉ rõ, đó là độ an toàn của các công trình xây dựng cũ, chung cư cũ được xây lắp ghép từ năm 1990 trở về trước khi xảy ra động đất, rung chấn. Hầu hết các công trình này đều đã xuống cấp, thậm chí nhiều công trình thuộc cấp độ nguy hiểm (D) vẫn đang tồn tại. Chỉ cần xảy ra động đất với cường độ 4 đến 5 độ richter, cũng đủ khiến các công trình này có nguy cơ sụp đổ.
Theo tính toán, hiện Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ, TP Hồ Chí Minh có 474 chung cư xây trước năm 1975. Phần lớn các chung cư này đang có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng. Không ít chuyên gia cảnh báo, chưa kể đến động đất, khi trời mưa, nước ngấm vào tường dẫn đến mủn tường và các mối ghép cũng dễ khiến các chung cư cũ đổ sập.
Theo KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), nhà cao tầng, chung cư cũ là đối tượng nhạy cảm nhất đối với động đất. Do đó, trong quá trình xây dựng công trình mới, cải tạo chung cư cũ, điều quan trọng là phải chọn được các nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính. Các chuyên gia khuyến nghị, để tránh dàn trải, các cơ quan chức năng TP Hà Nội nên có biện pháp đánh giá để sàng lọc ra những chung cư cấp độ nguy hiểm và tập trung vào cải tạo, xây mới. Nên tính toán đến phương án là thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào để tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy.
Đồng quan điểm ấy, PGS, TS Trần Chủng cho biết thêm, kết cấu của các công trình cao tầng rất phức tạp, nên ngoài việc tính toán kháng chấn trên lý thuyết, còn phải thử nghiệm ở phòng thí nghiệm động đất, nghiên cứu phản ứng để chọn giải pháp kết cấu hợp lý. Đối với các tòa nhà cao tầng, các kết cấu của cọc, móng, cột, dầm phải được tuân thủ tuyệt đối quy chuẩn chất lượng, vì đó là phần gánh lực cho tòa nhà.
Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng từng có những thí nghiệm khi xảy ra động đất ở cấp độ 7, 8 để có những cảnh báo cho người dân và các cơ quan chức năng. Với các tòa nhà được xây dựng sau năm 2006 thì có thể yên tâm. Song, TS Nguyễn Đại Minh cảnh báo: "Thiên tai khó lường, chúng ta cần tuyệt đối đề phòng những tình huống xấu".
Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, liên tiếp những ngày vừa qua, ở một số địa phương đã xảy ra động đất. Như, rạng sáng 11/3, tại địa bàn huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) đã xảy ra hai trận động đất liên tiếp cách nhau trong vòng 20 phút, với cường độ 2,9 độ richter và 2,7 độ richter. Ngày 14/3, trận động đất 4,5 độ richter xảy ra tại khu vực huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.