Nhớ lại thời ấu thơ của những thế hệ tầm 9x trở về trước, trò chơi ngày bé vẫn là những trò chơi dân gian như bắn bi, trốn tìm, nhảy dây… những trò vốn đòi hỏi tính tập thể. Vì thế, mỗi buổi chiều, chẳng cần hẹn mà lũ trẻ con vẫn gặp nhau ở một khoảng không gian rộng, đủ chỗ cho nhiều người và nhiều trò.
Sự phát triển đô thị ngày càng mạnh mẽ khiến những khoảng không gian như vậy hẹp lại, biến mất, trẻ con trở nên thiếu chỗ chơi, tính kết nối cộng đồng cũng vì vậy phần nào bị hạn chế. Dẫu vậy, trẻ em ngày nay lại có điều kiện tiếp xúc với công nghệ hiện đại sớm và nhanh hơn, trí não cũng phát triển hơn. Không ít trẻ tầm 4, 5 tuổi dù tiếng Việt nói chưa sõi nhưng lại có thể phát âm một số từ bằng tiếng Anh rõ ràng, mạch lạc dù chỉ nghe những bài hát trên Youtube.
Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Việc quá lệ thuộc vào smartphone, máy tính bảng hiện nay ở một số trẻ đang gây ra nhiều vấn đề, ảnh hưởng tới đời sống cũng như sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Rất nhiều trẻ em hiện nay có nguy cơ lệ thuộc hoặc mắc chứng nghiện công nghệ, mọi sinh hoạt thường ngày như ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi… đều gắn liền với smartphone. Nhiều trẻ do từ bé đã được bố mẹ cho tiếp xúc với điện thoại nên khả năng nhận thức thế giới chung quanh bị hạn chế, mọi thứ nghe nhận được đều xuất phát từ chiếc smartphone bé nhỏ đầy tính năng. Vì vậy, nhiều khi thế giới quan của trẻ chỉ gói gọn trong chiếc màn hình vài inch, còn mọi thứ diễn ra chung quanh đều không được các em tiếp nhận, xử lý, các hoạt động thể chất lại càng không được phát triển.
Tất nhiên, khó có thể đổ lỗi cho sự phát triển của xã hội cũng như công nghệ, nhất là trong thời buổi công nghệ 4.0. Đôi lúc nhìn nhận lại, trẻ em thời nay dù có thể đầy đủ vật chất hơn nhưng chưa chắc không có những thiệt thòi. Ở thành phố giờ lấy đâu ra một khoảng sân rộng rãi để lũ trẻ tha hồ vui chơi, chạy nhảy, hay lại phải ở trong nhà xem tivi, điện thoại. Thành phố là vậy, nhưng ở nông thôn giờ có khi cũng chẳng khá hơn khi công nghệ đã tràn về mọi ngõ ngách. Không ít trẻ em nông thôn giờ cũng thích ở nhà xem tivi, nghịch điện thoại hơn là chạy nhảy, đánh đáo, thả diều… ngoài đường.
Làm sao để bảo đảm quyền vui chơi lành mạnh, chính đáng của trẻ đang là những câu hỏi cần lưu tâm của xã hội, nhà trường và cả gia đình các em.