Hoạt động xây dựng, san nền trên các mặt bằng rộng lớn ven đường tại khu vực này đang làm cả không gian nhuốm mầu bụi. Ô-tô chạy trên đường cao tốc thì còn đỡ vì đóng cửa kính và có giải phân cách là vườn cây xanh nối dài, chứ trên đường dân sinh thì phải nói là… “chạt bụi” và “nạn nhân” vất vả nhất là những người đi xe máy. Đặc biệt là các nhà dân bên đường thì ôi thôi, phải “sống chung với bụi”.
Lâu nay, với các công trình nhà cao tầng như chung cư, khách sạn, tòa nhà văn phòng hoặc nhà dân vài tầng xây dựng trong phố, có yêu cầu phải quây lưới giảm bụi cát, xi-măng nên cũng đỡ phần nào so ngày trước. Nhưng với các đại công trường, các công trình quy mô lớn gây ảnh hưởng cả khu vực gồm khu dân cư, đường giao thông…, thì xem chừng ngoài việc che lưới, còn rất thiếu các biện pháp hiệu quả. Mà về trách nhiệm, thì đó phải là cam kết, là việc phải làm của các nhà thầu xây dựng, các chủ đầu tư.
Khu vực khác, trên đoạn đường An Dương Vương từ cầu Nhật Tân (quận Tây Hồ) cho đến cầu Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm) và cả từ cầu Thăng Long qua các phường Đông Ngạc, Thụy Phương (Bắc Từ Liêm), suốt nhiều năm qua vào nhiều thời điểm trong ngày luôn… mờ bụi. Dễ nhận thấy bụi còn bám bạc cả nhiều mái nhà, tường nhà, cổng làng bên đường. Và không chỉ con đường ven sông này, một số tuyến đường khác gần các khu xây dựng lớn, nơi có nhiều nhà dân và cả một số tòa chung cư, khu đô thị đã hoàn thành, cũng chịu chung “số phận ám bụi”.
Câu hỏi cho những địa bàn như trên, cũng là việc phải làm thế nào hơn để chống bụi trong suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm thi công. Chứ đừng để kéo dài tình cảnh “sống bụi” của người dân với những lý do vì đặc thù xây dựng, bất khả kháng. Từng suốt nhiều năm, ven các tuyến đường của Thủ đô như Phạm Văn Đồng, Kim Giang, đường Văn Điển…, và vài năm gần đây (may mà) vừa hoàn thành xong là đường Âu Cơ, trong quá trình làm đường, biết bao hộ dân đã chật vật vì bụi trong hầu hết mọi sinh hoạt đời thường. Nay, đã và đang, với việc san nền, xây dựng các tòa chung cư, khu đô thị, nhiều địa bàn rộng lớn, nơi sinh hoạt của các cộng đồng dân cư phường, xã lại tiếp tục chịu tác động tiêu cực. Trong khi đó, xu hướng phát triển các công trình, các không gian đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở và làm việc của đông đảo người dân sẽ vẫn phát triển trong những năm tới. Nếu không yêu cầu nghiên cứu, áp dụng các giải pháp chống ô nhiễm bụi với các quy định mang tính bắt buộc, thì lý do của nhiều chủ đầu tư, đơn vị thi công là xây dựng để Thủ đô vươn lên hiện đại, sạch, xanh, văn minh không khéo lại trở thành nguyên nhân “rũ bụi”, làm suy giảm chất lượng đời sống của rất đông người dân các địa bàn sở tại và lân cận.