Cùng với chủ điểm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm những năm qua, nay những câu chuyện thực trạng lãng phí, lý do từ đâu, làm gì để phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa… đã trở nên nội dung thiết thực, cần làm ngay được lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện giải quyết rốt ráo, đông đảo người dân đồng thuận.
Lãng phí từ dự án kéo dài, lãng phí do chậm triển khai dự án, lãng phí mặt bằng bỏ không, lãng phí do tổ chức cồng kềnh, thủ tục rườm rà…, rất nhiều sự lãng phí ở “tầm cao” được chỉ mặt đặt tên. Còn trong đời sống hằng ngày, quanh ta, quan sát trên đường, về nơi cư trú, ở địa bàn cơ sở cũng dễ nhận ra lắm. Những chiếc ghế đá, ghế sắt, ghế gỗ bỏ không trong công viên, bụi bám, rác vứt bề bộn, chẳng mấy ai sử dụng do cảnh quanh nhếch nhác, mất vệ sinh. Hồ điều hòa cũng trong công viên không được trông nom tốt, rác xả, nước đục bẩn nổi váng, cũng không trở thành nơi nhiều người dân sở tại tìm đến nghỉ ngơi, thư giãn nữa. Những bục bệ gỗ, kim loại dùng trang trí trong các dịp kỷ niệm hay trang hoàng không gian công cộng, xong lại bỏ phí. Vòi nước sạch uống được, tưởng phục vụ tốt mọi người qua lại nhưng lại bị làm bẩn, có khi bị phá hoại, mất tác dụng. Vỉa hè mới lát một thời gian, xe máy đi lên ầm ầm, lại long lở, bong tróc, lại tổ chức làm mới, lát lại… Đó đều là những sự lãng phí của cải, vật chất, thiết bị, không gian, sức người… thường thấy. Đáng tiếc là những sự lãng phí trong từng sự việc, hiện tượng cụ thể đó lại chưa được giải quyết nhanh, sớm, kịp thời. Mặc dù nhẽ ra, nhìn, hỏi là có thể xác định được bộ phận nào có liên quan trực tiếp, cần phải “ra tay” ngay, cũng như quy trách nhiệm cho đúng người, đúng chỗ.
Cho nên, rất cần làm ngay ở cơ sở trong việc phòng, chống lãng phí là nắm bắt thông tin để yêu cầu xử lý, và phải giải quyết tận nơi tận chốn, có thời hạn. Thí dụ như, tiếp nhận hình ảnh, thông tin người dân gửi qua Zalo, Facebook, cổng thông tin… của chính quyền, sở ngành. Như tổ chức đi kiểm tra, phát hiện thì xử lý ngay, tại chỗ. Như lãnh đạo chính quyền quận, huyện đi thực tế xã, phường, hoặc cấp xã, phường đi thực tế thôn, tổ dân phố, thấy có gì bất cập là gọi, nhắc để xử lý ngay. Như thế thì sẽ giảm được rất nhiều lãng phí cụ thể về vật chất, tiền của và phòng được khả năng tái phát.
Chấn chỉnh lãng phí từ cái nhỏ, cái trước mắt chính là một cách rèn ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong cách nghĩ, cách làm của cán bộ, người dân, của học sinh, trẻ em… Như thế mới là những tác động trực quan, thiết thực ban đầu để phòng, tránh, chống được những sự lãng phí to hơn hôm nay và về sau.