Trái phiếu xanh, động lực phát triển bền vững

Trên thế giới, trái phiếu xanh đang được coi là phương tiện hữu hiệu huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội. Tại Việt Nam, dù được đánh giá có tiềm năng lớn, song thị trường trái phiếu xanh còn ở dạng sơ khai.
0:00 / 0:00
0:00
Trái phiếu xanh là nguồn vốn đầu tư tiềm năng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Ảnh: Phương Thảo
Trái phiếu xanh là nguồn vốn đầu tư tiềm năng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Ảnh: Phương Thảo

Trái phiếu xanh là loại trái phiếu trong đó nguồn vốn thu được từ phát hành sẽ chỉ được sử dụng để tài trợ hoặc tái cấp vốn, một phần hoặc toàn bộ, cho các dự án xanh mới, hoặc sẵn có đủ điều kiện về tiêu chí xanh với bốn thành phần cốt lõi của Nguyên tắc phát hành và sử dụng nguồn thu từ trái phiếu xanh (GBP).

Việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...

Hiện nay, trái phiếu xanh đã được phát hành ở hơn 30 quốc gia, trong đó Mỹ, Canada, Pháp, Anh và Trung Quốc là những thị trường lớn, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kéo giảm và thích ứng biến đổi khí hậu, giao thông vận tải, năng lượng, tái chế, xây dựng và xử lý nước, rác thải.

Hoạt động tài chính bền vững vốn tập trung ở các nền kinh tế tiên tiến, nay đã lan sang các nền kinh tế mới nổi. Dữ liệu báo cáo về tài chính bền vững và trạng thái thị trường ASEAN 2021 do Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI) và Ngân hàng HSBC vừa công bố cho thấy, thị trường vốn nợ bền vững tại sáu nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN bao gồm: Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021.

Tại Việt Nam, tổng giá trị GSS (mảng xanh, xã hội và bền vững) đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần năm lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt ba năm liền. Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Trong khối ASEAN, Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Hồi tháng 7 vừa qua, Công ty Tài chính cổ phần điện lực (EVNFinance) đã phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh với lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm, được Công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia (GuarantCo) bảo lãnh một phần. Đây là lần đầu thị trường Việt Nam ghi nhận một tổ chức phát hành trái phiếu xanh dựa trên Nguyên tắc do Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) công bố từ năm 2018. Động thái của EVNFinance được đánh giá là cú huých lớn đối với thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam vốn còn khiêm tốn và mới mẻ.

Theo lãnh đạo EVNFinance, trong bối cảnh hiện nay, việc giao dịch trái phiếu xanh được một tổ chức quốc tế có uy tín bảo lãnh, bảo đảm an toàn đầu tư cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng xanh sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho các dự án xanh tại Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, xét về tổng thể, thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn đang ở dạng sơ khai. Quy mô, loại hình và nền tảng cung-cầu đều chưa chắc chắn, nhiều tổ chức phát hành vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu xanh, hoặc chưa chú ý đầu tư có trách nhiệm vào các sản phẩm, dự án có tính bền vững. Hệ thống pháp lý cho việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh còn mỏng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế…

"Hiện các quy định, chế tài về trái phiếu xanh của Việt Nam khá chung chung nên các doanh nghiệp muốn huy động từ nguồn này không dễ. Cả bên phát hành trái phiếu và nhà đầu tư đều thiếu một căn cứ đủ rõ ràng, đủ độ khả tín để xác định xem dự án nào, hoạt động nào là xanh thật sự, hay chỉ là "nhuộm xanh" để quyết định đầu tư. Những tiêu chí, căn cứ này là rất quan trọng để xây dựng một thị trường lành mạnh; nếu không đủ minh bạch và chặt chẽ sẽ dễ trở thành chỗ cho các công ty lớn chi phối thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam, biến thị trường này thành nơi cho họ huy động vốn xanh cho các dự án không hề xanh", TS Hà Dương Minh-chuyên gia quốc tế về lĩnh vực năng lượng, phát triển và môi trường nhấn mạnh.

Để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh một cách bền vững, theo các chuyên gia, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó Nhà nước cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý, khung khổ chính sách và cơ chế quản lý đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu xanh nói riêng. Phát triển cơ sở hạ tầng, định chế trung gian của thị trường theo hướng hiện đại, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm ở thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp, thúc đẩy cả về cung và cầu trái phiếu xanh, hoàn thiện cơ chế minh bạch thông tin liên quan đến phát hành và giải ngân nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh.

Ra đời từ năm 2008, sau 14 năm, trái phiếu xanh đã trở thành một công cụ quan trọng để kết nối các dự án xanh với thị trường vốn và các nhà đầu tư giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và các thách thức liên quan đến môi trường. CBI dự báo, thị trường trái phiếu xanh có thể vượt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2023.