Tín hiệu tích cực thị trường lao động cuối năm

Trong những tháng cuối năm ngoái và nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều bị gián đoạn đơn hàng từ 15-20%, thậm chí có những doanh nghiệp giảm đến 40%. Trong đó, ngành dệt may, da giày ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên đã có những tín hiệu tốt khi gần đây, các đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều công ty da giày đang có nhu cầu tuyển thêm lao động dịp cuối năm. Ảnh: TTXVN
Nhiều công ty da giày đang có nhu cầu tuyển thêm lao động dịp cuối năm. Ảnh: TTXVN

Những ngành sử dụng nhiều lao động khởi sắc

Hơn một tháng nay, Tổng công ty May 10 đã nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn, dù trước đó số đơn hàng của doanh nghiệp này không sụt giảm nhiều. Người lao động vui mừng vì được tăng ca trở lại. Chị Mai Thị Hồng, công nhân Tổng công ty May 10 chia sẻ: “Tháng 8 vừa rồi, công ty có nhiều đơn hàng nên người lao động đã có thu nhập cao hơn so với hồi đầu năm. Chúng tôi sẽ cố gắng đạt năng suất cao Những ngành sử dụng nhiều lao động khởi sắc

Hơn một tháng nay, Tổng công ty May 10 đã nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn, dù trước đó số đơn hàng của doanh nghiệp này không sụt giảm nhiều. Người lao động vui mừng vì được tăng ca trở lại. Chị Mai Thị Hồng, công nhân Tổng công ty May 10 chia sẻ: “Tháng 8 vừa rồi, công ty có nhiều đơn hàng nên người lao động đã có thu nhập cao hơn so với hồi đầu năm. Chúng tôi sẽ cố gắng đạt năng suất cao để góp phần hoàn thành nhiều đơn hàng, bảo đảm tiến độ sản xuất theo yêu cầu của khách hàng”.

Tín hiệu vui đón những đơn hàng mới tại Công ty giày Hồng Bảo, Đông Anh (Hà Nội) mới bắt đầu về từ tháng 8 cho dù chưa nhiều, nhưng nhà máy ít nhất đã có đơn hàng làm đến hết tháng 10. Ông Lê Hữu Đoàn, Tổng Giám đốc Công ty giày Hồng Bảo cho biết: “Từ giữa tháng 8 trở đi, chúng tôi đã có đơn hàng trở lại. Từ giờ đến cuối năm 2023, lượng đơn hàng sẽ tăng lên, công việc cho người lao động hy vọng sẽ đầy đủ”.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 8 ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD, tương đương với tháng 7. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong ba tháng qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã tăng trở lại từ mức đáy hơn 3 tỷ USD của tháng 5. Các đơn hàng cho quý IV cũng đã nhiều hơn trước. Nỗ lực mở rộng thị trường sang các nước Mỹ latin, Trung Quốc, Nhật Bản của ngành dệt may đã có kết quả bằng những đơn hàng mới. Các thương hiệu của Mỹ và châu Âu cũng quay lại đặt hàng vì trình độ nhân công của Việt Nam cao hơn, có thể gia công được các đơn hàng khó với tốc độ nhanh.

Ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: “Một tháng trở lại đây khách hàng sang Việt Nam tương đối nhiều. Họ muốn đặt trước năng lực sản xuất cho mùa xuân hè và mùa thu đông của năm 2024. Đây là tín hiệu tốt đối với ngành dệt may của Việt Nam. Về tổng thể, chúng tôi đánh giá là đã có dấu hiệu hồi phục về lượng khi khách hàng đặt hàng trở lại. Tuy nhiên, về đơn giá, họ vẫn có những yêu cầu về giảm giá thành so với năm 2022”.

Tại Bắc Ninh, Công ty TNHH Gree Precision Components Việt Nam đang gấp rút lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất. Công ty sẽ tuyển mới hơn 500 lao động trong tháng sau và 1.000 lao động từ giờ đến cuối năm khi các dây chuyền mới hoàn thành lắp đặt. Trong suốt nửa đầu năm nay, công ty hầu như không tuyển dụng lao động. Nhưng từ tháng 6, công nhân đã tăng ca để đáp ứng đơn hàng mới. Do được khách hàng tin tưởng, đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên công ty mở rộng gấp ba lần nhà máy nhưng khó khăn của công ty chính là thiếu lực lượng lao động. Ông WuZong Sheng, Giám đốc Công ty TNHH Gree Precision Components Việt Nam chia sẻ: “Cái khó nhất là tuyển dụng lao động kỹ thuật. Lực lượng lao động kỹ thuật cần nhiều thời gian để đào tạo, đặc biệt khu vực Bắc Ninh càng khó vì có nhiều công ty cũng đang cần nguồn lao động có trình độ kỹ thuật”.

Tình hình tại Công ty TNHH sản xuất Biel Crystal Việt Nam (Bắc Ninh) còn căng thẳng hơn khi phải gấp rút hoàn thiện một nhà xưởng 5 tầng, đồng thời tuyển kỹ sư, công nhân kỹ thuật hơn 300 người và 3.500 lao động phổ thông. Bà Đinh Thị Trang, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Công ty TNHH sản xuất Biel Crystal Việt Nam cho biết: “Thời gian đầu năm công ty chưa có nhiều đơn hàng. Dịp này, công ty có nhiều đơn hàng hơn thì cũng là thời điểm các doanh nghiệp khác cũng có nhiều đơn hàng. Chính vì thế, sự cạnh tranh để tuyển dụng lao động là rất lớn, dẫn tới việc tất cả các công ty đều thiếu hụt nhân lực. Tình trạng này có thể dẫn đến việc thất thoát đơn hàng nếu như doanh nghiệp không tuyển dụng đủ lực lượng lao động”.

Khu vực tam giác TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương cũng ghi nhận nhu cầu tuyển dụng lao động mới không hề nhỏ mặc dù sáu tháng đầu năm có tới hơn nửa triệu người nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp. Nhu cầu tuyển dụng lao động tại TP Hồ Chí Minh từ nay đến cuối năm 2023, theo trung tâm dự báo nguồn nhân lực thành phố là từ 155.000 - 165.000 chỗ làm mới, nhưng 86% nhu cầu dành cho lao động đã qua đào tạo. Đây cũng là thực tế tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh.

Tín hiệu tích cực thị trường lao động cuối năm ảnh 1

Lao động ngành dệt may tăng thu nhập vì doanh nghiệp có đơn hàng mới. Ảnh: TTXVN

Tập trung phát triển nguồn nhân lực

Trong các tháng 5-6-7, số doanh nghiệp quay lại sản xuất cũng như số doanh nghiệp thành lập mới đã gia tăng mạnh mẽ, tháng sau cao hơn tháng trước, phản ánh một điều, sản xuất thực của nền kinh tế đang từng bước phục hồi và khởi sắc. Với cái nhìn lạc quan, chuyên gia kinh tế, GS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, tình hình lao động từ nay đến cuối năm sẽ tốt lên. Với số lượng doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, hoạt động đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng thì kỳ vọng việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thu hút người lao động vào sản xuất, kinh doanh sẽ tốt hơn. Điều này đồng nghĩa thị trường lao động cũng sẽ ấm lên trong thời gian tới.

Về phía người lao động, ông Thịnh cho rằng, cần đề cao tính kỷ luật, kỷ cương cũng như tính hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp các doanh nghiệp hạ được chi phí nhưng vẫn có thể đáp ứng được các yêu cầu về tăng trưởng sản xuất. Người lao động cũng cần tích cực, chủ động trong việc đào tạo nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc, tích cực tham gia các lớp đào tạo để chuyển hướng tìm kiếm công việc ở những ngành nghề phù hợp, đặc biệt là những người đang bị giãn việc, hoãn việc. Đây là yếu tố rất quan trọng để người lao động có thể thích ứng được với thị trường lao động năng động hơn và có chất lượng cao hơn trong thời gian tới.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng chia sẻ, sáu tháng qua, thành phố đã ghi nhận tình trạng có một số doanh nghiệp giảm đơn hàng phải cho lao động nghỉ việc, song nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng khá tốt.

Theo đánh giá chung thì xu hướng lao động, việc làm ở thị trường Hà Nội có chuyển biến tích cực. Sáu tháng qua, đã giải quyết được 118.000 lao động việc làm, đạt được 70% kế hoạch thành phố giao. Thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn thành phố tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như kinh doanh - bán hàng, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may, nhân viên dịch vụ nhà hàng - khách sạn, nhân viên du lịch lữ hành… Một số ngành được dự báo có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Vận tải, kho bãi; dịch vụ du lịch và lữ hành; bán buôn và bán lẻ… “Trên địa bàn thành phố tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài các cơ chế của thành phố, hầu như các doanh nghiệp đều có chính sách linh hoạt, thay đổi phù hợp với tình hình hiện tại. Hoạt động tuyển dụng việc làm đang có dấu hiệu khởi sắc hơn. Hy vọng từ nay đến cuối năm, thị trường lao động sẽ chuyển biến theo hướng tích cực”, ông Vũ Quang Thành nói.

Theo ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thị trường lao động thời gian tới sẽ có những tín hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn cần lường trước, dự báo những biến động của thị trường tác động đến việc làm, đây không phải vấn đề có thể khắc phục một sớm, một chiều.

Để phục hồi thị trường lao động, ông Trung cho rằng, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực cũng như nắm chắc thị trường lao động đang có nhu cầu ở những ngành nghề nào, số lượng bao nhiêu, từ đó đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn. Chỉ khi doanh nghiệp tồn tại được mới có thể giữ chân người lao động. Giữ được chân người lao động sẽ đỡ chi phí tuyển dụng sau khi sản xuất phục hồi. Theo ông Trung, hiện nay Cục Việc làm đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động; thúc đẩy việc học tập, nâng cao tay nghề cho công nhân lao động; nghiên cứu phát triển các chương trình đào tạo về tác phong, kỷ luật, tâm lý người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.