Thế nào là “Sống sâu”?
Trong cuốn sách “Sống sâu” vừa ra mắt, cư sĩ Tuệ Lạc kể rằng: “Có đôi lần, các bạn trẻ hỏi tôi vì sao họ cố gắng rất nhiều mà công danh sự nghiệp vẫn còn bất ổn?”. Đứng trước câu hỏi đó, cư sĩ Tuệ Lạc đáp: “Có lẽ chúng ta nên sống chậm lại một chút, như thể sống lại khoảng thời gian cách ly xã hội của thời đại dịch Covid-19 một lần nữa. Vì trong khoảng thời gian đó, chúng ta đã phải miễn cưỡng buông bỏ tất cả trong chốc lát. Thay vì mãi tìm kiếm ở bên ngoài, chúng ta hãy xoay vào bên trong mình. Hãy tạm ngưng tất cả trong khoảng thời gian ít nhất từ 3 đến 6 tháng để có cơ hội thiết lập lại chính mình”.
Cũng từng như bao người trẻ miệt mài làm việc tới mức không có thời gian nghỉ ngơi, đến khi thành công với sự nghiệp triệu USD và nắm trong tay nhiều tài sản lớn, tác giả Tuệ Lạc chọn cách dừng lại để sống sâu và tạo những giá trị khác biệt. Chị cho rằng, một người nếu không liên tục nâng cấp, cải tiến, cập nhật thì khó có thể trở thành phiên bản tốt hơn. Trong đó, việc đầu tư cho chiều sâu tâm thức và trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Tuy nhiên, bạn trẻ cần tránh nhầm lẫn giữa sống sâu với buông bỏ tất cả. Chúng ta không làm vậy vì ai cũng có gia đình để chăm lo và nhiều trách nhiệm cần phải hoàn thành mỗi ngày. Bạn trẻ hãy hiểu sâu, sống sâu đúng cách để vừa có thời gian phát triển bản thân vừa làm điều có ích cho xã hội thay vì buông xuôi, an phận và không làm gì cả”, cư sĩ nhắn gửi.
Là người trẻ sở hữu nhiều mô hình khởi nghiệp thành công, vài năm trở lại đây, Tạ Minh Tuấn (một trong những tác giả, diễn giả được Forbes bình chọn có ảnh hưởng ở Việt Nam và châu Á) chọn viết sách và giao lưu để chia sẻ nhiều hơn với bạn trẻ khắp mọi miền đất nước về cách sống bền vững. Anh cho rằng, yếu tố quan trọng để bước vào hành trình sống sâu là người trẻ đừng bao giờ hy sinh chất lượng để lấy số lượng. Chất lượng phải luôn đi trước. Lấy thí dụ về một bạn trẻ muốn xây dựng thương hiệu cá nhân trên TikTok nhưng không đủ năng lực và phẩm chất nên chọn thực hiện quá nhiều clip không phù hợp thuần phong mỹ tục, bất chấp dư luận để được chú ý, Tuấn khẳng định, đó là hướng đi sai nhưng nhiều người lại nghĩ là “thành công”. Với anh, thành công phải đến từ những giá trị thực tế, bền vững và có ích cho cộng đồng.
Trở thành phiên bản tốt hơn
Cũng theo anh Tuấn, trước khi nghĩ đến việc giúp đời, mỗi bạn trẻ cần đầu tư để bản thân là một thí dụ, tấm gương tốt thật sự chứ không chỉ ở bề nổi. Việc chọn hình mẫu trong xã hội để học tập cũng cần kỹ càng vì chọn sai sẽ dễ đi sai đường. Muốn vậy, bạn trẻ phải hiểu chính mình và chỉnh sửa từ những điều nhỏ nhất, rồi từng bước hình thành các thói quen tốt.
Với ông Nguyễn Thành Tiến, người sáng lập Tổ chức giáo dục NIK, sống sâu đồng nghĩa với việc sống có giá trị. Là chuyên gia đào tạo về đầu tư, khởi nghiệp, ông cho biết, bản thân ưu tiên định hướng các nhà đầu tư trẻ tạo và nâng cấp giá trị sản phẩm. Thay vì mua đất hay nhà ở, đợi chênh lệch giá, “sốt” giá rồi bán, ông dạy học viên mua đất xây nhà, mua nhà xưởng rồi sửa hay làm hẳn một khu công nghiệp, khu du lịch. Việc này không chỉ sinh lợi cho nhà đầu tư nếu tính toán đúng mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người, góp phần giúp địa phương nào đó phát triển. Ông Tiến khuyên người trẻ: “Bây giờ mọi thứ cần tập trung vào “giá trị”. Bạn làm gì cũng được, miễn đem lại giá trị cho người khác thì xứng đáng thành công và kiếm được tiền. Muốn thành công, bạn cần tìm hiểu kỹ giá trị đó đến từ đâu. Có rất nhiều con đường dẫn đến thành công. Có người thành công nhờ thông minh, khôn khéo, có người lại thành công bằng sự chân thành, tử tế, số khác thành công nhờ kiên trì, không bao giờ bỏ cuộc. Thành công không nên nghĩ là kiếm được thật nhiều tiền mà là cùng nhau giúp đỡ được nhiều người và hôm nay giỏi hơn hôm qua”.