Tiếng nói nơi biên giới

Hàng chục năm nay, miền biên giới Quảng Trị đã thân thuộc với những âm thanh lúc 5 giờ 30 phút sáng từ những chiếc loa công cộng được đặt ở thôn bản. Hệ thống truyền thanh đã giúp bà con Vân Kiều, Pa Kô cập nhật được thời sự, những thông tin về phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và khắp mọi miền Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Hồ Thị Am, nhân viên văn thư kiêm phát thanh viên Đài truyền thanh xã Ba Tầng làm việc cần mẫn mỗi ngày.
Chị Hồ Thị Am, nhân viên văn thư kiêm phát thanh viên Đài truyền thanh xã Ba Tầng làm việc cần mẫn mỗi ngày.

Thức dậy trước 5 giờ sáng

Tại bản làng xa xôi của Quảng Trị, anh Hồ Văn Ngui, dân tộc Vân Kiều, ở bản Xà Đưng, xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) thức dậy trước 5 giờ sáng để lên UBND xã Hướng Việt cách nhà 1,5 km vận hành đài truyền thanh cơ sở. Anh Ngui kể: “Làm nhân viên trực đài không nặng nhọc nhưng phải dậy sớm, công việc đúng giờ, đúng thời điểm, người rề rà và không chịu khó sẽ không làm được việc này. Có hai cách để thực hiện công việc truyền thanh. Thứ nhất là đến UBND xã, nơi đặt cụm máy phát và hệ thống tiếp nhận truyền thanh. Thứ hai là sử dụng điện thoại thông minh để kết nối với hệ thống kênh thông tin sau đó phát theo lịch. Nhưng lên UBND xã, mở cửa rồi sau đó mở máy phát chương trình vẫn thích hơn, đó là cách mà tôi thường làm”.

5 giờ 30 phút sáng, sự yên bình tĩnh lặng của núi rừng được đánh thức bởi những bản tin thời sự, những chia sẻ về đời sống, về gia đình, về cách làm ăn xóa đói, giảm nghèo, gương người tốt việc tốt… Anh Hồ Văn Giỏi, thôn Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt cho biết: Trước khi mọi người dậy đi làm rẫy thì các anh chị trực đài đã lên ủy ban để làm việc, hệ thống truyền thanh đã đem lại cho đồng bào miền núi, xã biên giới những thông tin rất bổ ích, nhất là tin tức thời sự và chia sẻ kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo, bà con Vân Kiều trên địa bàn xã đã tiếp cận được rất nhiều thông tin có ích.

Cần mẫn với công việc của mình, có khi anh Ngui xem đó là công việc chính thức mặc dù anh làm Văn hóa thông tin xã, truyền thanh chỉ là công việc kiêm nhiệm. Anh Ngui cho biết thêm, một ngày có hai lần truyền thanh vào 5 giờ 30 phút sáng đến 7 giờ; buổi chiều 17 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút.

Túc trực mọi lúc

Chị Hồ Thị Am, dân tộc Vân Kiều, nhân viên văn thư kiêm đài truyền thanh xã Ba Tầng đang chuẩn bị phát đi bản thông báo cho người dân thôn bản tham dự một hội nghị vào ngày mai. Chị Am nói: “Có đài truyền thanh tiện lắm, văn bản thông báo đã được gửi cho các thôn qua mạng xã hội nhưng vẫn được UBND xã chỉ đạo thông báo trên đài truyền thanh để bà con nắm bắt kịp thời. Như thế sẽ triệu tập được mọi người và các cuộc họp, hội nghị có nhiều người tham dự, cho nhiều ý kiến bổ ích hơn”.

17 giờ chiều, chị Am cho phát bản thông báo, từ chiếc loa truyền thanh ở điểm chính thôn Ba Tầng, chúng tôi nghe được tiếng nói trong trẻo từ nơi biên giới. Giữa không gian không một tạp âm nào, những thông tin từ chính quyền địa phương, những tin tức thời sự, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước qua kênh truyền thanh đã về thôn bản, từ đó thúc đẩy miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Có được thành công đó nhờ vào đóng góp không nhỏ của nhân viên truyền thanh.

Nói về công việc của mình, chị Am chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp Trường đại học Khoa học Huế, ngành Công tác xã hội. Lúc ra trường trở về công tác tại xã, được cấp chính quyền bố trí làm Văn thư kiêm đài truyền thanh của xã. Trước đây anh Hồ Văn Khăm, thôn Loa, xã Ba Tầng trực truyền thanh, từ khi anh Khăm đi dạy học, tôi tiếp quản công việc này. Đây là công việc có ý nghĩa với bản thân tôi, nhất là đối với đồng bào vùng biên giới thì Đài truyền thanh cơ sở có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn giá trị truyền thống văn hóa”.

Mỗi ngày 2 lần đi 7 km từ nhà đến UBND xã để làm việc và trực đài, chị Am luôn túc trực và hoàn thành công việc của mình. Ông Hồ Ai Béc, Phó Chủ tịch UBND phụ trách Văn hóa-Xã hội xã Ba Tầng cho hay: “Hơn 40 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Quảng Trị thì có hơn 40 nhân viên truyền thanh cơ sở. Để thông tin thời sự, thông tin kinh tế xã hội về với bà con, nhất là bà con vùng biên giới, cần có đội ngũ này. Ở xã biên giới Ba Tầng, hệ thống truyền thanh đã phát huy hiệu quả rất tốt trong việc giúp bà con tiếp cận được thông tin, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đồng thời có kiến thức làm ăn, vươn lên xóa đói, giảm nghèo”.

Tại xã có anh Nguyễn Đan Trường, công chức Văn hóa-xã hội và anh Ngui thay phiên nhau làm công việc này. Đài truyền thanh huyện và Đài phát thanh truyền hình tỉnh chuyển file truyền thanh để phát, thời gian còn lại tiếp sóng thông tin Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra nhân viên truyền thanh còn tiếp nhận và tổ chức thông báo cho người dân trên toàn xã về một số hoạt động của địa phương, lịch hội họp, mùa vụ…