Tìm giải pháp hạn chế "loa kẹo kéo"

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Vy Nguyễn (Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội)

Thời gian trước thềm Tết Nguyên đán xưa nay vẫn luôn là giai đoạn nở rộ của các hình thức hát rong bằng loa kẹo kéo. Sau hàng loạt biện pháp ngăn chặn, xử lý từ các cơ quan chức năng, những ngày qua vẫn có hàng loạt trường hợp mang thứ loa này đi “tra tấn” phố phường, làng xóm.

Chỉ cần dạo một vòng qua các tuyến phố là có thể dễ dàng bắt gặp những “ca sĩ đường phố” đang say sưa thể hiện tài năng âm nhạc với chiếc loa thùng to bằng cả người ôm. Đáng tiếc thay, những màn trình diễn này mang tính thể hiện thì ít mà tra tấn người nghe thì nhiều. Từ các thể loại nhạc trẻ với chủ đề yêu đương, chia tay, đau đớn quằn quại cho tới nhạc vàng, trữ tình đúng nghĩa “rên rỉ ỉ ôi”, các “ca sĩ bất đắc dĩ” tha hồ biến không gian công cộng thành nơi hát xướng theo cách của riêng mình. Không ít nhạc phẩm mang tính cách mạng đầy hào hùng bị hát lệch tông, rời rạc và thậm chí… sai lời, khiến người nghe cảm thấy vô cùng khó chịu.

Địa điểm ưa thích của các “ca sĩ đường phố” thường là những nơi đông người như khu chợ dân sinh, khu vực hàng quán đồ ăn uống hoặc các ngã tư đường. Chính vì lý do này, thi thoảng người dân vẫn phải chứng kiến một số tiết mục “hợp xướng” theo kiểu “mạnh ai người nấy hát”: đầu phố hát nhạc trẻ, cuối phố thì… đọc rap. “Trang phục biểu diễn” cũng do đó mà trở nên lộn xộn, không loại trừ những trường hợp ăn mặc phản cảm, không đúng thuần phong mỹ tục. Tôi cũng đã có lần chứng kiến hai “ca sĩ” như thế này to tiếng rồi xô xát, ẩu đả. Chưa rõ có phải do “con gà tức nhau tiếng gáy” hay không, nhưng vụ việc đã gây mất an ninh trật tự công cộng, khiến nhiều người dân hoảng sợ, bức xúc.

Ai cũng biết sự phiền toái gây ra bởi tiếng ồn và cả những quy định, chế tài xử phạt liên quan. Nhưng tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của chúng đến nay đã đi vào đời sống hay chưa?