Bứt tốc thi đua
Tận dụng thời tiết thuận lợi, những tháng gần đây, các nhà thầu thi công đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đã tổ chức 231 mũi thi công với 971 thiết bị cùng 3.000 nhân lực, đẩy nhanh tiến độ dự án. Đại diện nhà thầu, Đại tá Trần Hải Bắc, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn Nam (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết, đoạn thảm nhựa đầu tiên có chiều dài khoảng 250 m. Sau khi có kết quả kiểm tra chất lượng, nhà thầu sẽ thảm bê-tông nhựa đại trà toàn tuyến chính và các cầu do đơn vị đảm nhận.
Đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau dài hơn 110 km (đoạn Cần Thơ-Hậu Giang hơn 37 km; đoạn Hậu Giang-Cà Mau là hơn 73 km), tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Thời điểm tháng 8/2024, do gặp nhiều khó khăn về cả mặt bằng lẫn vật liệu nên sản lượng thi công dự án mới chỉ đạt 37%. Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết: Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua "500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc", ban đã tích cực chỉ đạo các nhà thầu thi công phối hợp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng. Đến nay, sản lượng thi công đã đạt 55% kế hoạch.
Hiện tại, mặt bằng dự án cơ bản đã được bàn giao, chỉ còn vướng 200 m tại Cần Thơ đang được chính quyền địa phương khẩn trương xử lý. Riêng về vật liệu, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, tổng nhu cầu vật liệu đắp nền dự án khoảng 18,6 triệu m3, trong đó nhu cầu đến hết năm 2024 là 15,12 triệu m3. Hiện tại, dự án đã có 11,73 triệu m3. Tuy nhiên, do một số mỏ khai thác vượt độ sâu, sạt lở bờ sông hoặc chất lượng cát không bảo đảm nên dự kiến đến cuối năm 2024 chỉ khai thác thêm được khoảng 0,72 triệu m3 cát sông. Đối với khối lượng còn thiếu, Ban đã làm việc với tỉnh Bến Tre để khai thác thêm, đồng thời yêu cầu nhà thầu bổ sung thêm cát nhập từ nước ngoài và nguồn cát biển.
Dứt khoát không thay đổi tiến độ
Mới đây, tại buổi thị sát công trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, dự án đường cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau là đoạn tuyến cuối cùng của toàn tuyến đường cao tốc bắc-nam phía đông chạy dọc đất nước. Việc hoàn thành đúng hạn dự án có ý nghĩa quan trọng kết nối thông toàn tuyến từ bắc vào nam, đồng thời truyền cảm hứng, tạo động lực lan tỏa cho các dự án quan trọng khác trong vùng về đích. ĐBSCL có hai điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và nhân lực. Đảng, Nhà nước rất quan tâm việc giải quyết, tháo gỡ hai điểm nghẽn này cho ĐBSCL, với lộ trình, thời gian phù hợp hoàn cảnh, điều kiện đất nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu dứt khoát không thay đổi tiến độ, tới 31/12/2025 phải thông toàn tuyến đường cao tốc bắc-nam phía đông (từ Cao Bằng-Lạng Sơn đến Cà Mau). Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục triển khai đoạn tuyến cao tốc từ TP Cà Mau tới Đất Mũi (khoảng
80 km), giao Cà Mau triển khai với sự hỗ trợ, bố trí vốn của Trung ương, cố gắng khởi công trong năm tới.
Khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải với tổng vốn đầu tư khoảng 106 nghìn tỷ đồng. Hiện 8/9 dự án đang tổ chức thi công, 1 dự án đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến khởi công đầu năm 2025. Trong tổng số các dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm: 4 dự án đường bộ cao tốc (Cần Thơ-Hậu Giang-Cà Mau, Cao Lãnh-Lộ Tẻ, Cao Lãnh-An Hữu, Lộ Tẻ-Rạch Sỏi) với tổng chiều dài 207 km; 2 dự án cầu, đường bộ (dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận và dự án cầu Rạch Miễu 2). Trong khi đó, dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dự kiến cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án Cao Lãnh-An Hữu và cầu Đại Ngãi hoàn thành năm 2027.
Các chuyên gia kỳ vọng, giao thông đi trước sẽ mở đường cho mảnh đất chín rồng thu hút đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn trong chuỗi logistics, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Trước nhiệm kỳ này, toàn bộ ĐBSCL chỉ có 39 km đường cao tốc, không có dự án nào được chuẩn bị đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn vùng đã có 120 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác; 428 km đang triển khai, 215 km đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư. Theo quy hoạch, tới năm 2030, ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.188 km. Trước mắt, mục tiêu sau năm 2025, ĐBSCL sẽ có khoảng 548 km đường bộ cao tốc.