Thiệt hại nặng nề
Ngày 9/9, hàng trăm hộ dân ở các xã Bản Thi, Yên Thịnh của huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) và xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) bàng hoàng chứng kiến dòng bùn thải quặng đuôi tràn từ trên đỉnh núi xuống, theo suối Bản Nhượng đổ về vùi lấp ruộng, nương. Sự cố vỡ đập hồ chứa số 1 đã phát tán ra môi trường khoảng 30.100 m3 bùn thải, trong vòng bán kính khoảng 15 km. Bùn thải đã bồi lấp một số ao, ruộng, nương rẫy của người dân các xã Bản Thi, Yên Thịnh (Chợ Đồn) và Bình Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Sau sự cố, Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên đã huy động máy móc, nhân công để thu gom. Dù tích cực triển khai nhưng đến hết tháng 11, sự cố mới được khắc phục xong. Điều đáng nói là dù bùn thải đã được thu gom nhưng hậu quả để lại vẫn rất nặng nề. Theo thống kê thiệt hại, xã Bản Thi có hơn 30 hộ bị ảnh hưởng, tổng giá trị hỗ trợ hơn 2,6 tỷ đồng. Xã Yên Thịnh gây thiệt hại cho 131 hộ, tổng giá trị hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng. Đối với xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) có 117 hộ bị ảnh hưởng, tổng số tiền hỗ trợ đã chi trả gần 3 tỷ đồng.
Nguy cơ còn bỏ ngỏ
Hồ chứa bùn thải quặng đuôi là dạng hồ chứa phổ biến ở tỉnh Bắc Kạn do có nhiều mỏ và các nhà máy, cơ sở chế biến khoáng sản. Các nhà máy đưa quặng nguyên khai vào chế biến bằng công nghệ tuyển nổi. Sau khi thu được sản phẩm là tinh quặng thì còn lại lượng lớn đất, đá, kim loại, nước đi kèm tạo thành hỗn hợp bùn thải quặng đuôi. Thông thường mỗi nhà máy sẽ có hai hồ chứa bùn thải dạng này.
Theo Sở Công thương Bắc Kạn, hiện trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản có xây dựng, sở hữu hồ chứa quặng đuôi với tổng số 26 hồ chứa thải và 37 bể lắng đang hoạt động. Hầu hết hồ chứa quặng đuôi đã được xây dựng đều có kết cấu đập đất. Do đi vào vận hành trong nhiều năm trước nên đa số không có hồ sơ thiết kế xây dựng và cũng không được cơ quan chức năng nào kiểm tra giám sát.
Kết quả kiểm tra trong tháng 11 của Sở Công thương cho thấy, có 2/9 đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nội dung, hồ sơ về xây dựng hồ chứa (hoặc liên quan hồ chứa). Có 7/9 đơn vị, doanh nghiệp chưa có hồ sơ hoặc hồ sơ không đầy đủ theo quy định về hồ chứa quặng đuôi (bao gồm hồ sơ riêng lẻ hoặc lồng ghép với thuyết minh dự án).
Điều đáng lo ngại là cả 9 doanh nghiệp đều chưa thực hiện giám sát, cảnh báo an toàn đối với các bãi thải đất đá mỏ, các khu vực lưu chứa bùn thải quặng đuôi và chưa mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn 5/9 doanh nghiệp (Công ty TNHH Ngọc Linh; Chi nhánh Matexim Bắc Kạn; Công ty TNHH Trường Thịnh Thái Nguyên; Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico) chưa thực hiện xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải.
Dựa trên kết quả kiểm tra thực tế, Sở Công thương Bắc Kạn đánh giá, tại huyện Chợ Đồn, hiện đang có 3 hồ chứa bùn thải quặng đuôi đã vượt quá dung tích, thân đập có nguy cơ sạt lở cao, không bảo đảm công tác an toàn cho vận hành. Đó là các hồ chứa số 1 và số 2 tại Khu liên hợp các nhà máy chế biến khoáng sản của Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn tại xã Bằng Lãng; hồ chứa thải quặng đuôi của Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico tại mỏ sắt Pù Ổ, xã Quảng Bạch. Hiện, Sở Công thương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo 2 doanh nghiệp trên ngừng vận hành 3 hồ chứa để nạo vét, gia cố thân đập, bảo đảm an toàn đúng quy định mới được đưa vào vận hành, khai thác.
Theo quy định, bùn thải quặng đuôi không phải là chất thải nguy hại nhưng phải được lưu giữ, bảo quản và xử lý theo quy trình riêng. Tại Bắc Kạn, do yếu tố địa hình và để thuận lợi cho quá trình xử lý nước đi kèm, hầu hết các hồ chứa bùn thải quặng đuôi đều nằm trên núi cao. Nếu đập hồ chứa bị vỡ thì đây chính là điểm “tử huyệt” dễ gây ra hậu quả lớn, rất cần có các giải pháp quyết liệt từ phía chính quyền để ngăn chặn những nguy cơ đang rình rập đổ vào vùng đất sinh kế của người dân.
Nỗi lo lắng về nguy cơ ô nhiễm vẫn lơ lửng ở các xã đã chịu bùn thải phát tán. Theo Trưởng thôn Bản Nhượng (Bản Thi) Nông Xuân Toàn, người dân vẫn thấp thỏm lo âu vì không biết đất đai có bị ô nhiễm hay không. Nếu ô nhiễm đã ăn sâu vào đất, nước thì hệ lụy để lại với cả vùng nông sản còn rất lâu dài.