Chìa khóa xây dựng thương hiệu dừa Việt Nam

Với diện tích gần 200 nghìn ha, đầu năm 2024, Chính phủ đã phê duyệt đề án đưa cây dừa trở thành cây công nghiệp chủ lực quốc gia. Ngành dừa Việt Nam sẽ làm gì để xây dựng thương hiệu trong bối cảnh hội nhập? Thời Nay xin giới thiệu bài viết của bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam với góc nhìn dùng du lịch làm chìa khóa cho chiến lược xây dựng thương hiệu dừa Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Khai thác chuỗi giá trị góp phần xây dựng thương hiệu dừa Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TRUNG
Khai thác chuỗi giá trị góp phần xây dựng thương hiệu dừa Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TRUNG

Giá trị vô hình

Ngành dừa khởi động năm 2025 với hy vọng kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến sẽ cán đích tỷ đô. Hiện, hàng loạt doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến dừa như Betrimex, Beinco,

Á Châu, Thabico, Trabaco… đã đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, với năng lực sản xuất lớn, đa dạng các sản phẩm. Hàng loạt sản phẩm từ dừa “made in Vietnam” đang tạo dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế như: sữa dừa, nước dừa, dầu dừa, cơm dừa nạo sấy, than hoạt tính, than Shisa, thảm xơ dừa dệt kim, giá thể trong nông nghiệp... Bên cạnh đó, dừa tươi cũng đã có mặt hầu hết ở những thị trường khó tính như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều thú vị hơn các ngành hàng khác, đó chính là chuỗi giá trị tuần hoàn của ngành dừa Việt Nam hiện vô cùng phong phú đa dạng. Đó là những tín hiệu vui cho ngành dừa trên diễn đàn kinh tế. Tuy nhiên, không thể vì thế mà ngành dừa quên đi chiến lược xây dựng thương hiệu cho mình.

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", từ gần 2.000 năm trước, những lễ vật quý được Thái thú quận Giao Chỉ Sỹ Nhiếp triều cống cho nhà Ngô phương Bắc, ngoài sừng tê, ngà voi còn có cả dừa. Bên cạnh đó, dừa còn là một địa danh cổ có từ trước khi xây dựng Hoàng thành Thăng Long với cái tên Nôm là Chợ Dừa. Địa danh quen thuộc đến nỗi ô Trường Quảng, đã được Thái tổ Lý Công Uẩn đặt tên cũng nằm trên thư tịch và Ô Chợ Dừa ngày nay đã chính thức là tên gọi của một đơn vị hành chính thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đó là phường Ô Chợ Dừa!

Rồi những câu tục ngữ: "Lành làm gáo, vỡ làm muôi", "Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa", "Thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau"… Hoặc trong dòng tranh dân gian Đông Hồ cũng đã có hai bức về dừa. Một bức ca ngợi vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam “Trong như ngọc, trắng như ngà”. Một bức tôn vinh nét đẹp của tình yêu, sự thuận hòa trong sinh hoạt gia đình, làng xã “Khen ai khéo dựng nên dừa/đấy trèo đây hứng cho vừa lòng nhau”.

Chưa kể đến những chiến công có sự góp mặt của dừa trong cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước. Đó là những bó đuốc lá dừa của đội quân tóc dài (nữ du kích Bến Tre), không tốn một viên đạn đã khiến đối phương phải đầu hàng. Hay chỉ cần một trái lựu đạn và một lá cờ mặt trận cắm trên ngọn dừa mà diệt được chiếc trực thăng trinh sát. Rồi những thương binh ngoài mặt trận cũng đã được truyền nước dừa vào máu để thay huyết thanh trong những ngày giao tranh ác liệt…

Sức sáng tạo của người dân còn làm ra hàng trăm món ăn từ nước dừa, cơm dừa, đọt dừa. Rồi những nỗ lực không ngừng của người dân Đồng bằng sông Cửu Long trong thay đổi cơ cấu cây trồng để phát triển vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam.

Chìa khóa quảng bá thương hiệu

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, ngành dừa Việt Nam sẽ làm gì để khẳng định giá trị và xây dựng thương hiệu? Theo tôi, du lịch sẽ là chìa khóa hiệu quả cho chiến lược này. Dùng du lịch chính là khai thác chuỗi giá trị vô hình của cây dừa Việt Nam thông qua những câu chuyện lịch sử, văn hóa nằm trong kho tàng văn học từ dân gian cho tới hiện đại, từ truyện cổ tích, tục ngữ - ca dao cho tới văn xuôi, thơ ca hiện đại và cả ẩm thực.

Vậy, sản phẩm du lịch dừa Việt Nam hiện nay cần những nội dung gì, nếu không phải là kể lại những câu chuyện lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của dừa một cách sinh động cùng những bữa ăn với những món ngon liên quan đến dừa. Bên cạnh đó, các sản phẩm mỹ nghệ truyền thống cùng với các sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến dừa hiện đại sẽ là những câu chuyện vô cùng thú vị nhằm quảng bá thương hiệu cho ngành dừa Việt Nam. Đó cũng chính là tăng cường hiệu quả liên kết ngành giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác và liên kết vùng theo Quyết định 509/QĐ-TTg đã được Chính phủ phê duyệt.

Nói đến du lịch là nói đến sứ mệnh mở ra cho du khách những góc nhìn mới về một vùng đất bằng những câu chuyện, sự trải nghiệm qua thị giác, thính giác, vị giác và xúc giác. Dừa là một loại cây trồng truyền thống nhưng ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam lại hoàn toàn non trẻ, du lịch dừa lại càng mới mẻ hơn, bởi nó chỉ được định hình sau khi ngành dừa bắt đầu phát triển cùng với thông điệp NetZero. Bởi vậy, nếu không có một chiến lược được điều phối ở tầm quốc gia, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội đưa du lịch cùng trái dừa Việt Nam đến gần hơn với thế giới.