Quay cuồng trong lịch học
Kể từ khi con trai vào năm học lớp 9, lịch sinh hoạt của gia đình chị Lan (trú tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đảo lộn. Gia đình không có bữa tối nào đủ mặt các thành viên. Do là ngay sau khi con tan học tại Trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) hai mẹ con đến các trung tâm ôn luyện thi vào lớp 10 với ba môn: Toán, Văn, tiếng Anh. “Bữa tối của con là trên ghế đá nhà trường, tan học xong, con ăn ngay để còn kịp ca học từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ. Các “lò” chủ yếu ở khu vực Trung Hòa-Nhân Chính nên lo tắc đường, tôi phải sắp xếp như vậy”, chị Lan than thở.
Kinh tế gia đình chị cũng “đảo lộn” vì chị phải đóng cửa hiệu tạp hóa để đưa đón con. “Học ở trung tâm chưa đủ, vì lo không biết thi vào 10 rơi vào môn nào nên con còn phải học thêm các môn khoa học tự nhiên (Lý-Hóa-Sinh), khoa học xã hội (Sử-Địa) ở trường. Thế nên con tôi “ngộp” trong học tập để giành cơ hội vào lớp 10”, chị Lan bức xúc.
Không may mắn vì có bố, mẹ đưa đón, cháu N.T.H (học sinh lớp 9 Trường THCS Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) được gửi gắm cho bác “xe ôm” gần nhà để rong ruổi trên các “cung đường” học thêm. Đến nỗi, bác “xe ôm” còn nhớ địa chỉ nhà các thầy, cô và lịch học của cháu H hơn cả bố mẹ…
Từ đầu năm học đến nay, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi T.Ư) đã tiếp nhận những bệnh nhân là học sinh lớp 9 trên địa bàn Hà Nội có những biểu hiện chung là mệt mỏi, bồn chồn không yên, khó ngủ, lo lắng… TS, BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe Vị thành niên của bệnh viện cho biết: “Các trường hợp bệnh nhi trên được xác định có các rối loạn về tâm lý liên quan đến học tập. Căng thẳng, lo âu và trầm cảm thường diễn biến âm thầm, là kết quả của cả quá trình trẻ phải chịu áp lực về học tập, thi cử”.
Thấp thỏm chờ quy chế tuyển sinh
Lứa học sinh lớp 9 năm học 2024-2025 được ví là “chuột bạch” khi phải chịu áp lực thi vào lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới với sự thay đổi lớn về định dạng đề. Đặc biệt, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn đang lấy ý kiến dự thảo quy chế tuyển sinh, dự kiến ban hành trước ngày 31/12. Theo đó, việc tuyển sinh THPT, thi vào lớp 10 được tổ chức theo một trong ba phương thức: Xét tuyển, thi tuyển hoặc thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Thời điểm các địa phương công bố môn thi thứ 3 là trước ngày 31/3 hằng năm. Như vậy, sự thấp thỏm để chọn môn thi sẽ kéo dài từ đầu năm học đến tận tháng 3, chỉ trước khi thi vào lớp 10 hai tháng. Điều này khiến cả nhà trường và học sinh bị động, buộc phải ôn thi nhiều môn, dàn trải.
Áp lực tiếp theo mà lứa học sinh lớp 9 năm nay phải đối mặt là môn thi thứ 3. Ngoài 2 môn chính ra thì môn thứ 3 sẽ là môn còn lại trong chương trình học, có thể là cả môn tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hay Khoa học Xã hội (Sử, Địa)… Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: “Kỳ thi lớp 10 năm 2025, việc lựa chọn môn thứ 3 sẽ thay đổi hằng năm để tránh học tủ, học lệch”.
Gần đây nhất, ngày 17/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh chính thức đề xuất chọn ngoại ngữ là môn thứ ba thi lớp 10 với lý do nhằm bảo đảm ổn định tâm lý, phù hợp mục tiêu định hướng nghề nghiệp. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2024, cả nước có 50 tỉnh, thành phố tổ chức thi tuyển vào lớp 10. Không địa phương nào tổ chức quá 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Trong đó, Ngoại ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh. Điều này hoàn toàn phù hợp với kết luận 91-KL/TW năm 2024 của Bộ Chính trị: “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.
Đã gần hết học kỳ I, sự chờ đợi phương án thi, chọn môn thi lớp 10 khiến cho không chỉ học sinh mà các bậc phụ huynh lo lắng, thấp thỏm. Vì vậy, cần sớm chốt môn thi, tránh thay đổi từng năm gây ra những áp lực không đáng có!
“Lên đến lớp 10, học sinh đều học phân ban cả nên việc học tủ, học lệch ở cấp THCS chỉ mang tính tương đối. Chương trình giáo dục phổ thông mới muốn hướng đến việc đánh giá năng lực tổng hợp của học sinh chứ không chỉ bó hẹp trong kiến thức từng môn học”, đại diện giáo viên Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) nêu ý kiến.