Thiếu hụt nhân lực trí tuệ nhân tạo

TP Hồ Chí Minh đang phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực này đang đặt ra nhiều thách thức trong giai đoạn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh đang định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Thành phố Hồ Chí Minh đang định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Vẫn “khát” nhân lực

Hệ sinh thái công nghệ phục vụ cho mô hình “Đô thị thông minh và chuyển đổi số” của TP Hồ Chí Minh đang ưu tiên các lĩnh vực: Công nghệ AI, công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn, vạn vật kết nối, điện toán đám mây, robotic… Thành phố cũng triển khai chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI đến năm 2030 với nhiều nhiệm vụ cụ thể như tập trung xây dựng hạ tầng số, hạ tầng tính toán hiệu năng cao và các cơ chế, chính sách về AI như thu hút đội ngũ chuyên gia, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhưng đến nay, nguồn nhân lực cho lĩnh vực AI vẫn là bài toán khó. Số liệu của Cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động tại TP Hồ Chí Minh hiện khoảng 4,8 triệu người, với tỷ lệ qua đào tạo đạt 85%. Tuy nhiên, nhân lực chuyên môn kỹ thuật cao, bao gồm nhóm công nghệ thông tin và AI mới chỉ chiếm khoảng 17%.

Trong khi đó, khảo sát mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, gần 60% doanh nghiệp đánh giá chất lượng nhân sự AI hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng. Đặc biệt, chỉ 25% doanh nghiệp được khảo sát có đủ nhân sự AI dựa trên nhu cầu thực tế và gần 26% doanh nghiệp chưa đánh giá cao chất lượng đào tạo cho lĩnh vực này. Ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ TMA cho rằng, với gần 9.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin như hiện nay, nhu cầu về kỹ sư và chuyên gia AI tại Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn. Cái khó nhìn từ thực tế là cả nước thiếu các chương trình đào tạo chuẩn hóa cả về công nghệ và ứng dụng AI. Do nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn nên phần lớn các doanh nghiệp phải tự đào tạo, khó bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Giải pháp cho giai đoạn mới

Hiện TMA có gần 4.000 kỹ sư và gần 28 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp giải pháp và dịch vụ phần mềm cho khách hàng trên toàn cầu. Cách đây hơn 10 năm, TMA đã thành lập Trung tâm AI với hàng trăm kỹ sư, phát triển hơn 100 giải pháp AI cho các ngành, từ đó cung cấp cho hơn 50 khách hàng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong các năm đầu, TMA mời chuyên gia và nhà khoa học về AI đến Việt Nam để đào tạo, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ. Không lâu sau, TMA đã hoàn thành việc đào tạo công nghệ AI cho 100% kỹ sư.

Theo ông Hồng, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực AI cần đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần tăng tỷ lệ đào tạo AI ở bậc đại học trong nhóm ngành Công nghệ thông tin lên khoảng 25%. Bên cạnh đó, có thể đào tạo về công nghệ AI cho sinh viên các ngành kỹ thuật. Các trường đại học, học viện cần chủ động tiếp cận, chuyển giao chương trình đào tạo AI từ nhiều quốc gia phát triển nhằm tăng chất lượng đào tạo, bắt kịp thế giới. Việc đầu tư, thu hút và chuẩn bị nguồn chuyên gia, nhà khoa học về AI cũng đóng vai trò quan trọng. Cuối cùng là việc đào tạo nhân lực ứng dụng công nghệ AI.

Tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo năm 2024”, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện có bốn nhóm nhu cầu liên quan AI mà thành phố đang rất cần phát triển là ứng dụng quản trị thành phố hiện đại và thành phố thông minh; sử dụng công cụ AI để tăng năng suất lao động của bộ máy chính quyền nhà nước; tăng năng suất lao động và hiệu quả của doanh nghiệp thành phố; ứng dụng AI vào những dịch vụ công phục vụ người dân. Trong đó, yếu tố con người đóng vai trò then chốt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh chiến lược bồi dưỡng nhân tài AI, thành phố cần có cơ chế khuyến khích các đề tài ứng dụng AI có khả năng gắn kết với lĩnh vực liên ngành. Việc xây dựng các nền tảng dữ liệu mở cũng được khuyến khích nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong việc ứng dụng AI. Cùng với đó là những chính sách khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.

Hiện 35/54 trường đại học, học viện tại thành phố có chương trình đào tạo công nghệ thông tin - truyền thông. Tuy nhiên, chỉ có 14 chương trình đào tạo ngành AI, Khoa học dữ liệu và Kỹ thuật dữ liệu với chỉ tiêu đào tạo chưa đến 1.000 sinh viên.