Năm nay, đầu tàu kinh tế đặt mục tiêu giải ngân được 95% tổng vốn phân bổ khoảng 79.200 tỷ đồng - cao hơn năm ngoái 11.200 tỷ đồng. Để đạt kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu quý I đạt hơn 10% (tương đương gần 8.000 tỷ đồng), quý II đạt từ 30% trở lên, quý III hơn 70% thì mới bảo đảm quý IV đạt hơn 95%.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay tốc độ giải ngân không được như kỳ vọng. Cụ thể, trong quý I, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ giải ngân được hơn 5.600 tỷ đồng (đạt 7,1%) và đến cuối tháng 7, thành phố mới giải ngân được hơn 11.800 tỷ đồng (đạt khoảng 15% số vốn được giao).
Những nguyên nhân chính
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có 193 dự án với tổng vốn hơn 28.500 tỷ đồng đang gặp khó khăn, vướng mắc, cần đẩy nhanh thủ tục để giải ngân. Trong số này, có 43 dự án với mức vốn hơn 3.100 tỷ đồng được các chủ đầu tư xác định không thể giải ngân trong năm 2024 do vướng mắc thủ tục ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư; vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng có đến 55 dự án với số vốn cần giải ngân là 17.731 tỷ đồng…
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chậm do vướng mắc thủ tục, quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong số này, có hai dự án vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, cần Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với địa phương đẩy nhanh thủ tục bàn giao mặt bằng; có 23 dự án vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500 và 1/2000.
Hiện nay, nhiều dự án có vốn giải phóng mặt bằng lớn phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan nên dự kiến đến quý III mới hoàn tất các thủ tục và giải ngân vốn một lần, như dự án rạch Xuyên Tâm (5.405 tỷ đồng), dự án đường vành đai 2 đoạn 1 (2.000 tỷ đồng) và đoạn 2 (6.000 tỷ đồng), dự án bờ Bắc kênh Đôi (2.700 tỷ đồng)…
Năm 2024, có nhiều dự án khởi công mới cần có thời gian để hoàn thiện các thủ tục (phần lớn vừa hoàn tất vào cuối quý II) nên chưa giải ngân được vốn. Vì vậy, nhiều dự án chưa giải ngân được vốn.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Lê Thị Huỳnh Mai nhận định, qua rà soát cho thấy, nhiều sở, ngành, địa phương chưa giải quyết dứt điểm các chỉ đạo của UBND thành phố, dẫn đến tình trạng giải ngân chậm. Trong đó, có đến 29 kiến nghị đã được UBND thành phố chỉ đạo 2 lần nhưng các đơn vị vẫn chưa giải quyết dứt điểm, gồm các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giáo dục và Đào tạo, TP Thủ Đức và các Quận 3, 5, 8, Bình Thạnh.
Ngoài ra, có 60 kiến nghị khác đã được UBND thành phố chỉ đạo 1 lần nhưng cũng chưa được giải quyết dứt điểm, liên quan đến nhiều sở, ngành và địa phương khác.
Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã liệt kê các dự án để nhắc nhở, yêu cầu khẩn trương giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Về phía ngành giao thông, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) Lương Minh Phúc cho biết, để giải ngân hết số vốn được giao gần 12.400 tỷ đồng, Ban Giao thông đang dồn lực phấn đấu hoàn thành 20 dự án giao thông trọng điểm trong năm nay như đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, cầu Bà Hom, đường Tân Kỳ - Tân Quý, cầu Tân Kỳ - Tân Quý, hầm chui Nguyễn Văn Linh, cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa, cầu Nam Lý, đường Hoàng Hoa Thám… Ngoài ra, nhịp độ xây dựng các dự án lớn khác cũng cần được duy trì như đường vành đai 3, nút giao An Phú, quốc lộ 50…
Bên cạnh đó, theo ông Lương Minh Phúc, công tác phối hợp triển khai thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn đang là thách thức lớn đối với các dự án trọng điểm. Phía nhà thầu, chủ đầu tư trong tâm thế sẵn sàng thi công, có mặt bằng tới đâu, thi công cuốn chiếu tới đó nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào tiến độ giao đất của địa phương.
Làm gì để đi đúng quỹ đạo?
Để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND thành phố giao các sở, ngành, địa phương rà soát, có giải pháp để giải ngân hết số vốn theo kế hoạch năm 2024. Nếu tháo gỡ được các vướng mắc thì đến hết niên độ năm 2024 (đến ngày 31/1/2025), thành phố Hồ Chí Minh giải ngân được 76.801 tỷ đồng trong tổng số vốn được giao 79.263 tỷ đồng (đạt 96,9%).
Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Kinh tế và quản lý Thành phố Hồ Chí Minh nêu, Thành phố Hồ Chí Minh từng nhiều lần quyết liệt yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần dứt điểm xử lý các công việc để mỗi dự án chạy nhanh, với khẩu hiệu “ai không làm, làm chậm sẽ bị thế chỗ”. Thế nhưng, thực tế các dự án vẫn nối đuôi nhau chậm tiến độ, trong khi chưa có trường hợp cán bộ nào bị thay thế. Mốc tiến độ đã giao, đã cam kết thì cứ đúng thế mà làm. Làm không được thì kỷ luật, kỷ luật từ cấp dưới tới cấp trên, gắn với thi đua”, TS Trần Quang Thắng đưa ra góp ý.
Còn theo quan điểm của ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, thành phố cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công để có nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Ông Trần Hoàng Ngân dẫn chứng thành phố có nhiều dự án chỉ còn “một chút nữa” là về đích nhưng bị dừng lại vì gặp khó khăn về vốn, pháp lý hoặc có thể vướng vào các vụ án đang được tòa xử lý. Từ đó, ông Ngân kiến nghị thành phố cần làm việc ngay với các cơ quan Trung ương để ưu tiên tháo gỡ dự án này cũng như các dự án mặt tiền lớn.
Để công tác giải ngân vốn đầu tư công đi đúng kế hoạch, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu, các sở, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc 150 dự án, rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ về lý do chủ quan.
Đối với 43 dự án được xác định không thể giải ngân trong năm, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư rà soát lại toàn bộ thủ tục, đeo bám quyết liệt tiến độ giải quyết tại các sở, ngành liên quan để bảo đảm triển khai thi công và giải ngân vốn theo cam kết. Đặc biệt, Sở Nội vụ phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm trễ giải ngân. UBND thành phố sẽ xử lý trách nhiệm theo quy định.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã phê bình các sở và địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, 3 sở (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Giáo dục và Đào tạo) và 5 địa phương (Quận 3, 5, 8, Bình Thạnh và TP Thủ Đức) đã được nêu tên, kèm với đó là danh sách từng dự án, từng vướng mắc được chỉ ra cụ thể.
Điều đáng nói, dù chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh rất quyết liệt kêu gọi, cặn kẽ rút kinh nghiệm, mạnh mẽ nêu giải pháp nhưng đến nay những vướng mắc cản trở giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được khắc phục. Trước thực trạng đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan quản lý, tham mưu về đầu tư cần làm rõ trách nhiệm của chính cơ quan mình cũng như các cơ quan và lãnh đạo đơn vị liên quan đến việc chậm trễ giải ngân.