Tìm dấu đồng bào trên dặm dài Tổ quốc

Phạm Vân Anh là nhà văn, nhà thơ, nhà báo mang quân hàm xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Tìm dấu đồng bào trên dặm dài Tổ quốc

Nhiều năm gắn bó với lực lượng Bộ đội Biên phòng, chị có những chuyến đi về khắp miền biên cương của Tổ quốc. Chính những cuộc đi ấy đã cho chị thật nhiều trải nghiệm quý giá.

“Dặm dài Tổ quốc” (NXB QĐND, 2023) tập hợp 16 bài bút ký ghi lại những cảm xúc, tri nhận của một người lính, nhà báo ưa quan sát và luôn mong muốn thấu cảm, sẻ chia, trao gửi yêu thương đến với những người dân biên thùy, vùng sâu vùng xa trong hai tiếng thiết tha: “đồng bào”. Với lối diễn đạt mềm mại, tinh tế, ngôn ngữ trong sáng, chuẩn mực, người đọc như được cùng tác giả thực hiện những chuyến du khảo vào không gian sinh tồn của 16 dân tộc thiểu số anh em có số dân dưới 10 nghìn người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, gồm: Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo, La Hủ, Mảng, Pà Thẻn, Ngái, Bố Y, Lự, Si La, Cống, Chứt, La Ha, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu. Và từ đó, những câu chuyện được mở ra, đó là lịch sử của các tộc người, là những tinh hoa vật chất, phi vật chất được gìn giữ trong những nếp nhà, những khu rừng, con suối, trong sắc mũ áo, nếp váy, trong tiếng trống, tiếng sáo, những bài dân ca, dân vũ... Vào khu rừng thiêng Chúng Chải, không gian sinh tồn, không gian văn hóa - tâm linh của người Pu Péo để hiểu hơn rừng với tộc người này thiêng liêng biết nhường nào, như chính câu nói của họ: “Người Pu Péo còn thì rừng Chúng Chải còn. Rừng Chúng Chải còn thì dân tộc Pu Péo còn” (“Bên rừng thiêng Chúng Chải”). Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn sẽ làm cho những người được chứng kiến bị mê hoặc, phấn khích bởi sự cuồng nhiệt, kỳ bí: “Sau bài cúng kéo dài hàng giờ của người chủ lễ, tàn lửa bắn tung tóe như pháo hoa khiến cho nhiều người hồi hộp và hưng phấn. Những đôi chân trần sục sạo vào than hồng bỏng rãy trong một vũ điệu mê cuồng và thần bí nào đó” (“Vũ điệu trên than hồng”).

Đọc “Dặm dài Tổ quốc” người đọc còn được gặp gỡ những người lính biên phòng, họ thật sự là những người lính gác cho sự bình yên của Tổ quốc, đồng thời cũng là những người con thân yêu của các tộc người trên khắp các bản làng biên tái. Mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của những người lính ấy đã góp vào hành trình đi lên của các tộc người.

Cuốn sách không chỉ là tác phẩm văn học - báo chí mà trong nó còn dung chứa những thông tin hữu ích về dân tộc học, lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật dân gian... Đọc để thấu cảm, yêu thương, sẻ chia với những người anh em cùng sinh ra từ cái bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ chúng ta, những con người nơi sơn cùng thủy tận và cả những người lính mang quân hàm xanh vẫn đang âm thầm dệt nên gấm hoa trên các dải biên thùy.