Hoa đỏ cháy bốn mùa

Năm 2013, nhà thơ Phùng Thị Hương Ly xuất bản tập thơ đầu tay “Đi qua tôi thật chậm”. Đến nay, đúng 10 năm, cô vừa ra mắt tập thơ thứ hai “Dưới vòm hoa đại khải” (NXB Hội Nhà văn), có thể nói là tập thơ mang nhiều bước tiến.
0:00 / 0:00
0:00
Hoa đỏ cháy bốn mùa

31 bài thơ xoay quanh nhiều đề tài, từ chiến tranh, tình yêu, quê hương, nguồn cội đến phận số, tất cả đều được nhà thơ phác họa qua tập thơ này, dù ít về số lượng nhưng cũng vừa đủ hình tượng hóa điều muốn nói, muốn viết nên. Một trong những đề tài đậm nét nhất là chiến tranh cách mạng và người lính. Những dòng thơ với cách nhìn, cách cảm của riêng Hương Ly cho ta góc rung động khác: “Tiến về biên giới/Gió sông Tiền ghi vào nhật ký/Thuyền ghe đổ bóng mơ hồ/Mỗi bước ta đi/Chấp chới câu hò bến cũ” (Hành quân qua châu thổ). Viết về chiến tranh nhưng thơ Hương Ly đôi khi nhẹ bâng tình tự, bày biện các vết thương, khơi dậy giấc mơ hạnh phúc, mưu cầu hòa bình trong lòng người. Hãy nghe nhà thơ thủ thỉ trên những hố bom: “Những đêm côn trùng ri rỉ lòng núi/Cha kể chúng con nghe câu chuyện dọc chiến hào/Câu chuyện người cựu binh mất ngủ//Tiếng tu hú trở về mùa vải/Biêng biếc vùng trời//Búp sen ngập ngừng đáy nước/Mùa thơm ngát bên đồi”.

Hương Ly là cô gái Tày, sinh ra trên bản làng bốn bề núi đá, được ru bằng câu lượn slương, bài hát then, tiếng đàn tính, nên cái âm ba dân tộc, “quãng giọng Tày” được cô phổ vào tập thơ rất dịu dàng, đằm thắm: “Em là cô gái Tày/Chào đời giữa mùa trám đen trĩu ngọn cây/Ngày ấy cha chạy ra đầu bản đón mặt trời/Chạy ngược ra suối thấy nước vơi/Chạy lên đỉnh đồi thấy cánh hoa vừa hé/Cha cầm dao chặt ống bương về làm cơm lam/Nấu canh thịt gà gừng nghệ/Khói bếp hối hả bay về trời/Mẹ ôm em gọi là Nhình - con gái (Nói cùng anh). Hương Ly hồ hởi vui buồn khi viết về quê hương, về văn hóa của dân tộc mình, chính điều này đã định danh Hương Ly với lối thơ riêng, không phải riêng về cách triển khai hay lối trần tình, mà riêng vì chính cô đã từ phông văn hóa của chính mình đi lên, đó là: “Nhặt lá bùa/Nhặt tiếng cười về giải thiêng cho núi”; “Về đi câu lượn slương//Lòng này như hàng trăm kiến đốt”…

Hương Ly trẻ về tuổi đời nhưng lại không trẻ trong cách nghĩ, chắc cô cũng từng trải, từng đi nhiều qua vui buồn khó nhọc nên “Dưới vòm hoa đại khải” đã cho độc giả thấy một nét thơ bản lĩnh. Thơ cô không thiên về tả cảnh, cảnh chỉ là cái cớ để tải cái tình ẩn sâu trong câu chữ, nhưng dù vui hay buồn, cô chỉ phảng phất, không sa đà, tuyệt vọng. Điều này được minh chứng qua rất nhiều câu “sáng” trong các bài thơ - những câu thơ không chỉ làm điểm nhấn cho đoạn, bài mà còn buộc người đọc phải dừng lại, chiêm nghiệm, và triết lý với chính mình: “Tôi uống ký ức rồi/Kí ức nằm trong cốc nước chơi vơi/Những vết chân trùng phùng trên ngói đỏ/Là lũ chim về tôi lại tưởng tôi…”.

“Dưới vòm hoa đại khải” là thi tập khá thành công của Phùng Thị Hương Ly, thể hiện từng bước đi chín chắn của nhà thơ trẻ.