Lời thì thầm mãnh liệt

Rất đáng trân trọng khi NXB Chính trị quốc gia Sự thật, từ cuộc trưng bày thư tình thời chiến do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2023 và những nguồn thư từ, nhật ký, tài liệu khác, đã ấn hành cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”, dịp đầu xuân đã gây chú ý.
0:00 / 0:00
0:00
Lời thì thầm mãnh liệt

Cuốn sách giới thiệu hàng trăm bức thư được gửi từ hậu phương ra tiền tuyến, từ tuyến lửa về quê nhà mà “ở hai đầu nỗi nhớ” đó là những đôi vợ chồng đằng đẵng, những người mẹ xa con, những người con nhớ bố… Tình yêu thương, nhớ nhung, lo lắng cho người đi chiến đấu và cả những lo toan của người lính trong bom đạn vẫn hướng về gia đình được thể hiện chân thật, nồng nàn và hết sức sống động. Hoàn toàn là thật, không có chút gì hư cấu, bởi đó là những lá thư của người yêu, người thân gửi cho nhau.

Nhóm biên soạn Ngô Duy Ứng, Đào Kim Thu, Đỗ Thị Vân Anh và Trần Ngọc Ánh, với sự tư vấn nội dung của nhà văn Đặng Vương Hưng, đã chọn lựa trong hàng nghìn, thậm chí hàng vạn bức thư mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã sưu tầm trong những năm qua để phác thảo nên một diện mạo khá phong phú, nhiều cung bậc về tình thương yêu người Việt Nam gửi cho nhau qua kháng chiến chống Pháp, Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam. Có những cánh thư của hai người bạn trẻ đang ở giai đoạn tìm hiểu mà sự thổn thức nhớ nhung còn được “chuyển hóa” thành lòng quyết tâm học tập, tu dưỡng, chiến đấu một cách rất thành thực. Có những dòng nồng thắm của đôi vợ chồng mới cưới chưa lâu đã vội xa nhau, những con chữ tràn ngập niềm âu yếm. Lại có thư của người cán bộ, người lính trên đường hành quân, giữa những trận đánh, trong vất vả ở chiến trường hỏi về sức khỏe, cân nặng, việc ăn uống, học tập của vợ, tình hình điểm số hay xếp loại của con trẻ trên lớp. Rồi những thư của những người con trai hướng về mẹ già đã lần lượt tiễn chồng rồi đến các con của mình đi chiến đấu. Cũng rất sinh động, thắm thiết là những lá thư của nhiều người cán bộ, người lính khác nhau trên đường hành quân qua trạm đón tiếp hậu phương, quý mến và gửi về cô gái làm nhiệm vụ đón tiếp, chăm lo cho bộ đội trước khi vào chiến trường…

Đọc những lá thư, có thể xúc cảm, rung động với những chân thành được gửi trao, kèm theo những câu chuyện, những chi tiết đời thường ở quê, ở nhà, ở đơn vị thật sinh động, hoặc những liên tưởng, suy tư, quan niệm cũng rất phong phú của người viết về tình yêu, lẽ sống, trách nhiệm chiến đấu vì dân vì nước, vì gia đình. Và sẽ càng xúc động khi biết rằng nhiều tác giả của những bức thư đã nằm lại chiến trường, không đợi được đến ngày toàn thắng để đoàn tụ và sống cuộc đời bình thường ở bên mẹ, bên vợ con như trong thư mơ ước. Cũng sẽ có những nụ cười khi đọc vì thông tin bên lề những bức thư cho biết, đã có những người trở về, có những gia đình sum họp, hạnh phúc đến mãi sau này.

Điểm chung thiêng liêng là những lá thư đã được giữ gìn như máu thịt dù người còn, người mất. Cho đến ngày những người gìn giữ bâng khuâng tặng lại cho bảo tàng để câu chuyện riêng tỏa lan thắm thiết đến mọi người. Để công chúng, bạn đọc biết thêm về những người phụ nữ Việt Nam kiên cường, chung thủy, đã có một thời như thế, hôm qua và mãi sau này.