Gom hạt giả kết ngọc châu

Vân Anh là một nữ thi sĩ thành danh ở Xứ Nghệ. Chị đã có một hành trình thơ nửa thế kỷ. Chị vừa xuất bản “Vân Anh - Tuyển tập thơ” (NXB Nghệ An) - sách đặt hàng của UBND tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Gom hạt giả kết ngọc châu

Chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tuyển tập thơ là mảng thơ tình, thơ suy ngẫm về “phận đàn bà”. Chị thích thơ Hồ Xuân Hương và đã có những vần thơ hay viết về nữ sĩ tài hoa bằng những suy tư đắng chát nói về nỗi buồn, cô đơn, về thân phận đàn bà. Những câu thơ giàu hình ảnh, nhiều sức gợi, thể hiện sự dồn nén nội tâm, sự suy ngẫm xót xa rất đời. Vân Anh tự vẽ chân dung mình: “Đa tình bẩm sinh trong máu/Khâu buồn làm áo che thân” (Chân dung tự họa). Chị hay nói về những “lạc lối”, những “rối quẫn” giữa đời, những “lỗi nhịp” trong tình yêu mà sai lầm thường là xuất phát từ “trái tim đàn bà”: “Mẹ dạy con chín mươi chín điều hay/Điều thứ một trăm không dạy nổi/Trái tim đàn bà/hễ đi là... lạc lối (Nhớ mẹ).

Nhưng cái tôi trong thơ Vân Anh không chỉ đa cảm, đa tình, khát khao dâng hiến mà còn là cái tôi ý thức sâu sắc về giá trị, về bản ngã đích thực của mình. Chị viết về một người bạn gái mà cũng là vẽ chân dung mình: “Hiện hữu giữa đời.../như hành tinh ngoài hệ Mặt trời/dị ứng phù vân, ảo ảnh/dẫm gai nhọn, cỏ sắc/chân trần vạch lối hồng hoang” (Chân dung).

Thơ Vân Anh thể hiện đủ mọi cung bậc của cảm xúc đời thường, với rất nhiều đối cực: Niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và bất hạnh, tin tưởng và hoài nghi, nhập thế và buông bỏ… Niềm vui, nỗi buồn luôn được đẩy lên đến mức cao nhất. Khi vui, chị có thể hứa với con: “Mẹ lên hái quả Mặt trời/Cho con đá bóng, mẹ ngồi mẹ xem/Hái vầng trăng nở đêm đêm/Mẹ cho con kết làm đèn Trung thu” (Lòng mẹ). Nhưng khi buồn, người mẹ đó cũng thốt ra những lời chua xót: “Mười bảy năm, kiếp con còng/Mẹ gom hạt giả ngỡ vòng ngọc châu/Sức xuân phí cả còn đâu/Trắng tay khi sóng bạc đầu cuốn đi” (Viết cho con lúc này).

Mảng thơ về tình yêu, về quê hương, gia đình vẫn là phần hay nhất trong thơ của chị. Nhưng ở một phía khác, nhiều bài thơ thế sự cũng thu hút người đọc bằng những cảm xúc tươi nguyên, thể hiện những trăn trở đầy trách nhiệm công dân trước cuộc đời (Đất và người miền trung, Lời ru mùa đại dịch, Nhân dân gọi các anh về, Lời hẹn ước của người lính biên phòng, Dấu chân tuần tra…). Chị viết về con người miền trung: “Người miền trung/mười ngón chân hóa rễ cây bám đất/mười ngón tay hóa cành lá hút cạn Mặt trời/nuôi mùa xanh trồi lên từ sỏi đá/phồn sinh!” (Đất và người miền trung).

Về thể loại, thơ Vân Anh rất phong phú, đa dạng. Đa phần thơ chị là thơ tự do. Thơ lục bát của chị không nhiều, nhưng lại rất nhuần nhị, đằm thắm, trong đó có nhiều bài hay (Nhớ Hương Sơn, Duyên muộn, Viết cho con lúc này, Cho con ngày vu quy…). Nhà thơ Vân Anh vẫn là người hết sức trẻ trung, giàu nhiệt huyết cả trong đời và trong thơ. Kể cả khi chị nói về nỗi buồn, về cay đắng, về mất mát thì câu thơ vẫn ánh lên sự tự tin chấp nhận, niềm hy vọng, khát vọng về sự “hồi sinh”.