Chuyện về ly cà-phê trong xóm biển

Quyết tâm mang hạt cà-phê từ vùng Tây Nguyên về quê biển xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), anh Lê Văn Lương hiểu rằng, sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Thế nhưng, hành trình đi cùng ly cà-phê rang xay của anh cũng đã được 14 năm và bước đầu gặt hái được thành công.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Lương kiểm tra mẻ cà-phê vừa rang.
Anh Lương kiểm tra mẻ cà-phê vừa rang.

Thay đổi thói quen cũ

Giai đoạn năm 2010, hầu như cả tỉnh Quảng Nam chưa có khái niệm về món uống cà-phê sạch, nguyên chất. Tên gọi thương hiệu “Cavalry” mang ý nghĩa là những kỵ sĩ tiên phong, mở lối trong hành trình cần sự đồng lòng và quyết tâm.

Từ một chàng trai trẻ, anh Lương đã xây dựng một tập thể 20 nhân sự cùng phát triển thương hiệu “Cavalry” như hiện nay. Chính từ việc khảo sát kỹ thị trường, tìm những mặt hàng, sản phẩm chưa có ai làm đã giúp anh “một mình một lối” chinh phục người tiêu dùng. “Để một khách hàng đặt niềm tin vào sản phẩm cà-phê được chế biến ngay trên vùng đất cát như Duy Nghĩa này không hề dễ. Trước năm 2010, đời sống người dân tại khu vực này vẫn còn ở mức trung bình. Sau dần, hạ tầng giao thông được xây dựng. Bản thân tôi nhận thấy cơ hội đã đến với mình”, anh Lương nhớ lại.

Giấc mơ về khu xưởng rang được hiện thực hóa khi chính anh Lương trực tiếp nghiên cứu các bản thiết kế, tiến hành chế tạo hàng loạt máy rang hạt cà-phê. Trải qua 3 năm thử nghiệm, quy trình rang khép kín vận hành bằng nhiệt ga đi vào ổn định. Làm chủ được công nghệ và máy móc đã giúp cho sản phẩm hạt sau khi rang sẽ chín đều, mầu sắc bắt mắt, giữ nguyên vẹn hương vị cà-phê cao nguyên. Hiện nay, ngoài khu vực rang cà-phê, anh Lương còn dành một không gian chuyên dùng để sửa chữa, lắp đặt máy rang cho những đơn vị có nhu cầu mua máy.

Vừa kiểm tra mẻ hạt cà-phê sau khi rang, anh Lương cho biết: “Ngày trước, người tiêu dùng thường có sở thích uống cà-phê “tẩm”. Dần dần, ngay chính bản thân họ cũng thay đổi. Cà-phê nguyên chất đã có chỗ đứng khi người uống thưởng thức trọn vẹn vị đắng thơm. Hương vị đó sẽ rất khó cảm nhận nếu có pha thêm nguyên liệu khác. Niềm vui mỗi ngày của tôi và anh em trong xưởng có được chính từ việc mẻ rang tỏa ra hương thơm riêng đó”.

Mở lối cho nông sản là một phần quan trọng trong triết lý làm việc của anh Lương. Mỗi năm, khoảng 70 tấn hạt cà-phê thô được anh Lương cam kết bao tiêu đầu ra cho ba hộ dân ở các tỉnh như Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Liên kết nhỏ nhưng chắc ăn

Từ tháng 11 hằng năm, hạt cà-phê chín được bà con thu hái, cất trữ. Đến tháng 3 năm sau, xưởng rang của anh Lương bắt đầu mua về và sử dụng xoay vòng đến cuối năm, vừa kịp vụ hái tiếp theo. Ông Nguyễn Văn Hùng, trú tại huyện Ia Grai (Gia Lai) đang duy trì việc chăm sóc vườn cà-phê theo đúng cam kết với anh Lương. Với mục tiêu tạo ra ly cà-phê nguyên chất, giữ đúng hương vị thì ngay từ giai đoạn thu hoạch, ông Hùng chỉ tiến hành thu hái khi hạt cà-phê chín cây trên 90%.

Anh Lương cho biết, cho dù công đoạn rang, pha chế thành phẩm đúng quy trình và công thức nhưng nếu hạt cà-phê nguyên liệu bị hái quá sớm sẽ cho ra sản phẩm kém chất lượng. Theo đó, hái tỉa là kỹ thuật dành cho khâu thu hoạch. “Khi trực tiếp trao đổi quy cách làm việc với bà con nông dân ở Tây Nguyên, họ hiểu được câu chuyện mà tôi đang hướng tới. Chúng tôi cùng hợp tác để đưa giá trị cà-phê đi xa hơn. Mỗi năm, các tỉnh trên đó thường tổ chức các hội thảo về trồng trọt cà-phê hay trong các hợp tác xã, mọi người tham gia rất nhiệt tình. Từ đó, kiến thức của bà con tích lũy ngày càng nhiều, tạo ra lợi ích lâu dài”, anh Lương nói.

Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn trong suốt mùa vụ chăm cây, khi thu mua của người dân, anh Lương đều đưa ra mức giá cao hơn mặt bằng chung từ 10-15%. Khi đến công đoạn rang trên hệ thống máy móc, hạt cà-phê chín mọng vẫn giữ đúng trọng lượng, mùi vị vốn có. Các hộ trồng cà-phê như ông Hùng càng phấn khởi khi công sức bỏ ra suốt một năm đã thu về dòng tiền ổn định. Thị trường trong nước ngày càng ưa chuộng cà-phê rang xay “Cavalry” chính là lý do thúc đẩy người trồng ở vùng Tây Nguyên thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng cây trồng.

Vùng cát Duy Nghĩa dần thu hút nhiều lượt khách du lịch ghé thăm. Cầu Cửa Đại mở lối đón khách về, đồng thời giúp cho giấc mơ đưa cà-phê của anh Lương ra bên ngoài thành hiện thực. Những đơn hàng xuất khẩu sang thị trường New Zealand thành công, đặt “viên gạch” đầu tiên để cà-phê rang xay Việt Nam vươn ra biển lớn.