Đây là sản phẩm vừa mới ra mắt của công ty. Mỗi chiếc móc áo này được làm từ gần 40 vỏ hộp sữa tươi được thu gom từ các trường học hoặc các điểm cộng đồng.
Lợi thế đến từ quy mô
Cùng với móc áo, nhiều sản phẩm mà Lagom Việt Nam nỗ lực tìm tòi thiết kế suốt 5 năm qua từ vỏ hộp sữa đã được đưa ra thị trường. Với triết lý “sống vừa đủ, tái chế nhiều nhất có thể”, công ty này được đánh giá là đang bắt đúng làn sóng đổi mới sáng tạo xanh đang được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm và thúc đẩy.
Ông Trần Trí Dũng, chuyên gia đến từ Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ đánh giá, đổi mới sáng tạo xanh đang trở thành xu thế khi có ngày càng nhiều nguồn lực cả về tài chính và phi tài chính dành cho lĩnh vực này. “Lợi thế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là tính linh hoạt, dễ thích ứng, dễ nắm bắt những xu hướng mới. Chính vì vậy, khi có nguồn lực tài chính, họ sẽ dễ dàng trong việc đổi mới sáng tạo xanh”.
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang dành rất nhiều sự quan tâm tới phát triển bền vững và lựa chọn các lĩnh vực liên quan tới tái chế, giảm phát thải hay mô hình kinh tế tuần hoàn để khởi nghiệp. Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, 90% số doanh nghiệp có hiểu biết rõ ràng về các nội dung tái chế - tái sử dụng - giảm thiểu (3R) và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong vấn đề môi trường; 50% số doanh nghiệp được khảo sát đã từng áp dụng ít nhất một công nghệ sản xuất sạch.
Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2022) cho thấy, tín hiệu tích cực về áp dụng kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp với 90% số doanh nghiệp thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Việt Nam đã và đang chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, chỉ có 10% số doanh nghiệp chưa bắt đầu chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn hoặc chưa có sự chuyển đổi rõ rệt. Khảo sát thực địa tại các địa phương của CIEM cũng cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, dựa trên các đặc điểm ngành đã có những sáng kiến đa dạng để áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn ở các giai đoạn như tái chế, tái sử dụng, thiết kế lại sản phẩm. Có thể điểm qua một số minh chứng như: lĩnh vực nông nghiệp có những mô hình chăn nuôi thu hồi phân, khí biogas, mô hình trồng lúa kết hợp nuôi rươi; lĩnh vực công nghiệp có các mô hình sản xuất sạch hơn và sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường...
Thúc đẩy DNNVV hướng tới phát triển bền vững
“Đổi mới sáng tạo xanh” là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến hiện nay, để chỉ quá trình hay hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm góp phần tạo ra một sản phẩm mới, công nghệ mới, quy trình mới,... với mục tiêu giảm nhẹ tác động đến môi trường, đặc biệt trong bối cảnh các tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khai thác quá mức tài nguyên,... ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mặc dù mối quan hệ giữa DNNVV và khí hậu ít xuất hiện trong các cuộc tranh luận so với các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi hầu hết các quốc gia đều nhận thấy DNNVV có tác động đáng kể đến môi trường.
Theo tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong năm 2021, DNNVV ở Liên minh châu Âu tạo ra 64% ô nhiễm công nghiệp và 60-70% chất thải công nghiệp; DNNVV tạo ra 43% sự cố ô nhiễm công nghiệp nghiêm trọng ở Anh và Xứ Wales, tạo ra 60% chất thải thương mại; trên phạm vi toàn cầu, doanh nghiệp nhỏ tạo ra khoảng 50% lượng phát thải khí nhà kính; DNNVV sử dụng hơn 13% tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng toàn cầu.
Vì vậy, chính phủ nhiều quốc gia đã ban hành những quy định điều chỉnh hành vi, hoạt động theo hướng xanh của doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng, nhằm giảm nhẹ biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0. Nhiều quốc gia đã có những giải pháp chính sách (tài chính và phi tài chính) để thúc đẩy, khuyến khích DNNVV thực hiện các hành động đổi mới sáng tạo (quy trình, sản phẩm,...) nhằm chuyển đổi theo hướng xanh. Bên cạnh việc thúc đẩy trực tiếp các DNNVV thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, các quốc gia còn đưa ra nhiều giải pháp chính sách gián tiếp, đặc biệt khuyến khích phát triển xu hướng này.
Ở Việt Nam, trong các chính sách, doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV, được coi là trung tâm khi DNNVV chiếm đến 98% số doanh nghiệp đang hoạt động và là chủ thể chính trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh. Đối với bản thân các doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo xanh giúp doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ tài nguyên thiên nhiên, giảm tác động xấu đến môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, cải thiện hình ảnh, nâng cao trách nhiệm xã hội đối với môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, các DNNVV cũng đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn lực tài chính hạn chế, năng lực công nghệ không cao, nhận thức về đổi mới sáng tạo xanh, sản xuất xanh, công nghệ xanh, chuyển đổi xanh chưa thật sự đầy đủ.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp, tình hình đã có sự thay đổi đáng kể so với trước đây, DNNVV đã ngày càng nhận thức tốt hơn về xanh hóa hoạt động sản xuất thông qua đổi mới sáng tạo. Đã có một “phong trào” theo đuổi xu hướng này, song DNNVV vẫn cần có những động lực từ bên trong như về kinh tế, về lợi nhuận để thay đổi căn bản mô hình sản xuất.
Việc khơi thông những nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh là rất cần thiết. Nguồn lực thì không thiếu nhưng cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả vẫn đang còn nhiều vướng mắc. Gỡ rào cản để DNNVV đổi mới sáng tạo xanh cần được quan tâm nhiều hơn nữa.