Thú vị báo xưa kể chuyện chưa cũ

Là nhà báo trẻ thuộc thế hệ cầm bút mới, Trần Đức Anh lại cho thấy mối quan tâm đầy hào hứng và bền bỉ của mình với các trang báo... cũ.
0:00 / 0:00
0:00
Thú vị báo xưa kể chuyện chưa cũ

“Một số câu chuyện lịch sử từ góc nhìn báo chí” (NXB Tri thức) là cuốn sách mới của anh trước thềm kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024). Cuốn sách tập hợp nhiều tư liệu báo chí được tác giả sưu tầm, chọn lọc, sắp xếp, nghiên cứu và liên hệ đến đời sống hiện tại một cách sinh động, giàu tính kết nối.

Cuốn sách chia sẻ đa dạng thông tin chung quanh các nội dung: Quảng cáo rượu, bán bánh chưng, cổ vũ việc đọc sách, khích lệ cải cách trang phục, tìm về lịch sử loại dép cao su thông dụng một thời, động viên toàn dân tiêm chủng phòng dịch, kêu gọi lòng tương thân tương ái giữa đồng bào bắc-trung-nam khi gặp thiên tai, dịch bệnh… Những chuyện tiêu dùng, sinh hoạt đời thường như thế của người dân ta xưa hiện lên thật sinh động qua các trang báo cũ giai đoạn trước 1945, trước 1954...

Cả những niềm vui lớn hưởng ứng, tỏa lan từ các sự kiện long trời lở đất khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, dân ta vùng lên thoát đời nô lệ, cũng được những trang báo - trang sử đương thời truyền tải kịp thời, sôi nổi, hết sức phong phú. Chúng ta hôm nay thấy từng có hàng loạt hoạt động, sự kiện do các hội đoàn, các văn nghệ sĩ tổ chức, các doanh nghiệp, rạp chiếu phim, đoàn ca kịch… tổ chức một cách hào hứng để đón chào, kỷ niệm những dấu mốc lịch sử.

Những nội dung đa dạng đó, bạn đọc đều không chỉ tiếp cận trong cuốn sách độc đáo này, mà từ đó có thể ngâm ngợi với nhiều trạng thái cảm động, bồi hồi hay thú vị, bất ngờ... Có thể thấy rằng, tác giả cuốn sách - Trần Đức Anh đã “làm thay”, “làm giúp” cho rất nhiều người trong việc tìm, đọc những trang báo xưa và kỳ công chắt lọc những nội dung sinh động, cuốn hút mà các ký giả thế hệ trước từng truyền tải, để gửi đến bạn đọc hôm nay, qua thái độ trân trọng và cái nhìn so sánh, liên hệ với thực tại, cùng những bình luận súc tích nhưng không ghìm được sự cảm động, quý mến ẩn chứa trong đó. Ấy là tình cảm hướng về những người viết xưa, tình cảm dành cho các trang báo - nguồn tư liệu quý giá, hiếm hoi được sưu tầm, khai thác qua thời gian dài phóng viên trẻ Trần Đức Anh tác nghiệp nghề báo, nghiên cứu nghề sử. Sự kỳ công và cái nhìn liên hệ đó góp phần làm mới những tư liệu cũ, trân trọng giá trị lâu bền của báo chí trước đây mà hôm nay công chúng vẫn cần được tiếp cận, gìn giữ.

Trân trọng lao động “khổ công” của tác giả Trần Đức Anh, bạn đọc và đồng nghiệp lại càng thêm thú vị và được gợi mở khi cuốn sách ban đầu này của tác giả khơi lên trong chúng ta những tò mò, nhu cầu hiểu biết về muôn mặt đời sống trong xã hội trước kia được phản ánh qua các trang báo. Cùng với đó còn là niềm hứng thú được tìm đọc, hiểu biết nhiều hơn về việc làm báo xưa kia. Từ đó mà ngẫm nghĩ về công việc của chúng ta hôm nay, ở cả khía cạnh nghề nghiệp, văn hóa, đạo đức trong viết báo, làm báo.