Thủ tướng Fidel Castro và ân tình với Quảng Trị

Tháng 9/1973, từ bên kia địa cầu, Fidel Castro đã đến Việt Nam. Từ Hà Nội, ông vào thẳng tuyến lửa. Khi Fidel về với vùng giải phóng Quảng Trị, khói súng vẫn còn vương vất trong không gian. Trên những căn cứ vừa đánh chiếm, những xe tăng, pháo tự hành vẫn còn xanh ánh thép, và ngay trên điểm cao 241-hay còn gọi là căn cứ Caroll, nơi Fidel đứng cùng những người lính trẻ, chỉ cách bờ sông Thạch Hãn hơn 10 cây số đường chim bay. Phía bờ nam sông Thạch Hãn khi ấy súng vẫn nổ đì đùng...
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Fidel Castro và ân tình với Quảng Trị

Hình ảnh cao lớn của Fidel đến với Việt Nam trong bộ quân phục màu ô-liu của người lính Cuba, giữa một vùng đất còn khét lẹt mùi đạn bom không còn là chuyến thăm của một nguyên thủ quốc gia đến với một quốc gia, nó là hình ảnh đầy tính biểu tượng, trĩu nặng tình anh em tình đồng chí khi cùng với câu nói "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình", tròn 50 năm trước.

Ân nhân của cô gái Vĩnh Linh

Ngày 15/9 vừa qua, tròn 50 năm ngày Fidel đến Quảng Trị, nhưng với chị Nguyễn Thị Hương, đó còn là một ngày thay đổi số phận của chị gắn liền với chuyến thăm của Fidel. Một người phụ nữ bình thường nhưng có mối liên hệ đặc biệt với lãnh tụ của đất nước Cuba hẳn là một chuyện lạ. Nhưng đó lại là một câu chuyện gần như cổ tích với người phụ nữ này vào 50 năm trước, khi chị là một thiếu nữ 16 tuổi, nữ đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động ở thôn Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành (nay là xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Ký ức về cuộc gặp định mệnh với Fidel vẫn vẹn nguyên trong chị, khi chúng tôi đến thăm chị trong ngôi nhà trên phố Đặng Tất (thành phố Đông Hà).

Ngày 15/9/1973, khi đoàn xe chở Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Fidel sau khi thăm vùng giải phóng hướng ra Vĩnh Linh, đoàn xe vừa lăn bánh tới cầu Hiền Lương thì cách đó chừng 500 mét, trên cánh đồng xã Vĩnh Thành cạnh quốc lộ 1, một tiếng nổ chát chúa vang lên. Có nhiều tiếng la hét hoảng loạn. Cô gái bị thương ôm lấy vùng bụng lảo đảo chạy tới vệ đường quốc lộ thì ngã vật ra. Đoàn xe khi đó cũng vừa tới. "Khi đó tôi sắp ngất vì mất quá nhiều máu, không còn nhớ gì nữa, chỉ thấy dáng một người rất cao lớn cúi xuống gần bên tôi" - chị Hương, người đang kể lại câu chuyện của mình vào buổi chiều ngày 15/9/1973, khi ấy là một nữ đoàn viên thanh niên đang tham gia chiến dịch lấp hố bom trả lại mặt bằng để có ruộng cày cấy. Những hố bom chi chít trên cánh đồng được các thanh niên trong chi đoàn phát động đi lấp từ 4 giờ sáng. "Sau này tôi mới được nghe mọi người kể lại như thế" - chị Hương tiếp tục câu chuyện, "người đàn ông cao lớn đó chính là Fidel Castro, chứng kiến cảnh tôi đang bê bết máu me thương tích do quả bom bi phát nổ, ông đã bật khóc".

Chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị quá nhiều ấn tượng với Fidel, nhưng vụ tai nạn bất ngờ gây thương tích cho cô gái 16 tuổi khiến ông xúc động mạnh. Những bác sĩ tháp tùng đoàn đã kịp thời sơ cứu cho Hương và cho xe trong đoàn đưa cô về bệnh viện A của Đặc khu Vĩnh Linh bấy giờ đặt ở xã Vĩnh Tú để phẫu thuật. Khi về đến bệnh viện, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nhưng lượng máu cho ca phẫu thuật không đủ, lại chính một chiếc xe trong đoàn tùy tùng của Fidel chạy khẩn cấp ra Bệnh viện Đồng Hới để lấy máu mang vào. Quả bom bi định mệnh ấy làm chị Hương bị đứt tám đoạn ruột, đứt động mạch, may sao, ê-kíp bác sĩ của bệnh viện vùng tuyến lửa đều là những bác sĩ dày dạn kinh nghiệm nên đã cứu chị Hương thoát chết. "Thật tình nếu không có những chuyến xe chở về bệnh viện, chạy ra Đồng Hới lấy máu, và nhất là "chỉ đạo" của bác Fidel, chắc chắn tôi đã chết vì vết thương quá nặng. Những ngày nằm viện, các bác lãnh đạo của Khu ủy Vĩnh Linh đến thăm và nói cho tôi hay rằng khi đó, Fidel đã hỏi đi hỏi lại là bệnh viện có bảo đảm cứu được cô gái trẻ này không? Nếu quá khả năng thì ông sẽ tìm cách đưa tôi lên tuyến trên có điều kiện y tế tốt hơn. Tôi không thể nghĩ rằng một lãnh tụ như Fidel, giữa lúc bom đạn như thế vẫn có thời gian quan tâm đến một người dân bị tai nạn mà ông bất ngờ chứng kiến".

Hơn một tháng sau, khi sức khỏe tạm ổn và được xuất viện về nhà, chị Hương càng bất ngờ hơn khi xe của bệnh viện đưa thẳng chị từ bệnh viện về trụ sở Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Thành. "Ở đó, có thêm vài người dân trong thôn Liêm Công Tây của tôi, tất cả đều được nhận quà của Fidel gửi, một số kẹo bánh và thuốc men. Phần quà của tôi có khá nhiều thuốc bổ, và đặc biệt nhất là tấm danh thiếp rất đẹp với hoa văn in chìm có dòng chữ "CMDTE. FIDEL CASTRO RUZ" phía dưới là dòng chữ mà tôi được dịch cho nghe là "Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba". Tấm danh thiếp ấy tôi gìn giữ cẩn thận cho đến tận năm 1993, dịp kỷ niệm 20 năm Fidel thăm vùng giải phóng Quảng Trị, một nhà báo đến mượn tấm danh thiếp về chụp lại để in báo và thật tiếc là tấm danh thiếp đó bị mất".

Năm 1985, chị Hương nhận được thư của đại sứ quán Cuba tại Hà Nội chuyển lời của Fidel muốn bố trí cho chị sang Cuba một chuyến để kiểm tra sức khỏe và an dưỡng, nhưng thời điểm đó chị đang chuẩn bị sinh đứa con gái út, vậy rồi ước mong được gặp ân nhân của chị đã không thực hiện được…

Anh Lê Mạnh Kết, chồng chị Hương, bảo: "Không có Fidel ngày đó chắc bà xã tui đã không sống được, và tui cũng không thể có được một gia đình như hôm nay, con cái đều phương trưởng, hạnh phúc".

Thủ tướng Fidel Castro và ân tình với Quảng Trị ảnh 1
Vợ chồng chị Hương ngồi xem lại những hình ảnh

của Thủ tướng Fidel Castro khi đến Quảng Trị. Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

"Ông Tây phe ta"

Nhưng trong chuyến đến thăm Quảng Trị năm 1973, Fidel không chỉ gặp chị Hương với câu chuyện lao động trúng bom. Trước đó, ông đã gặp một nạn nhân bom mìn là cậu bé Hồng Đăng. Đăng là một nạn nhân điển hình của chiến tranh, bom đạn đã cướp mất đôi cánh tay của cậu. Năm 1995, chuẩn bị cho sinh nhật tuổi 70 của Fidel, một cuộc thi quốc tế viết về Fidel được tổ chức, thời điểm ấy, bác Phạm Tùng Thiện ở Hội Cựu chiến binh Quảng Trị mang tới báo Quảng Trị một bài viết ngắn có cái tựa là lạ "Ông Tây phe ta" - "ông Tây" đó chính là Fidel.

Bài báo ghi lại câu chuyện của Hồng Đăng khi gặp Fidel năm 1973: "Trời Đông Hà tuy đã sang thu, nhưng vẫn nắng nóng. Gió Nam Lào cuối mùa bụi tung mù mịt, nhưng Bác như có ý định chờ ai? Mặc nắng nóng, cát bụi, Bác vẫn đứng trước cửa một ngôi nhà tôn dựng vội gần lô cốt cũ, người Bác ướt đẫm mồ hôi. Khi xe chở tôi dừng lại cạnh Bác, Bác xốc nách đưa tôi vào nhà, hai tay rắn chắc của Bác một tay ôm tôi vào lòng, một tay xoa đầu, xoa tai tôi như chính tôi là con đẻ của Bác, là cháu thiếu niên, nhi đồng của quê hương Bác lâu ngày gặp lại. Vừa xoa, Bác vừa nói những gì tỏ vẻ âu yếm, thương cảm nhưng tôi không hiểu, khi sờ đến hai cánh tay cụt của khuỷu tay tôi, hai tay Bác ghì chặt tôi hơn nữa. Đôi môi Bác ấn mạnh vào mặt, mắt, miệng của tôi làm tôi không còn nhận ra bộ râu rậm và cứng của Bác cọ vào mặt tôi ươn ướt, thì ra Bác khóc. Bàng hoàng, xúc động, tôi rúc đầu vào cổ vào vai Bác và khóc. Mặc dù tôi chưa biết Bác là ai, chỉ mới biết Bác là "Ông Tây phe ta". Với tôi đây là lần đầu khóc sau ngày gặp mẹ, khi trạm giải phẫu bộ đội giải phóng thật sự cứu sống tôi từ đêm bom B-52 Mỹ rải thảm, tôi bị trọng thương. Lần này tôi khóc vì Bác Fidel đã khóc. Sau khi biết Bác là vị lãnh tụ kính mến của nhân dân Cuba, vị đứng đầu một nhà nước đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị đầu tiên, tôi càng thương Bác nhiều hơn. Bác đúng là "Ông Tây phe ta".

Điều bất ngờ là dù Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 2.000 tác phẩm gửi từ 40 nước đến dự thi nhưng tác phẩm "Ông Tây phe ta" của tác giả Phạm Tùng Thiện đã được trao giải nhất.

Nhưng câu chuyện về cô gái trên vĩ tuyến 17 bị thương hay cậu bé Hồng Đăng không chỉ dừng ở những giọt nước mắt xót thương. Chứng kiến những thương tích chiến tranh gây ra cho người dân trên vùng đất lửa, Fidel đã quyết định dành một món quà tặng đặc biệt và thiết thực cho nhân dân trong vùng. Ngay sau chuyến đi, Thủ tướng Fidel gọi đại sứ Cuba tại Việt Nam cùng đi với đoàn để chỉ đạo việc có kế hoạch giúp xây dựng một bệnh viện hiện đại để chữa bệnh cho những người dân sau chiến tranh.

Không lâu sau đó, chỉ đạo của Fidel đã thành hiện thực, một bệnh viện mang tên Việt Nam-Cuba được chọn đặt tại thị xã Đồng Hới, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình. Ngày 19/5/1974, lễ khởi công xây dựng Bệnh viện Hữu nghị được tiến hành và mấy chục năm qua, kể từ ngày đi vào hoạt động, Bệnh viện Việt Nam-Cuba ở Quảng Bình đã như một cột mốc tin yêu của mối tình hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia mà người anh em Cuba đã dốc lòng san sẻ!