Thu hút FDI, áp lực ngày một lớn

Tốc độ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đang chậm lại là chỉ dấu cho thấy, Việt Nam cần phải nhạy bén và mạnh mẽ hơn nữa trong việc rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài. Nhiều quốc gia theo đuổi những chiến lược mới trong thu hút FDI càng khiến cho dòng vốn đầu tư ngày càng đắt đỏ hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực đầu tư nước ngoài hiện đóng góp 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu và khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Ảnh: TTXVN
Khu vực đầu tư nước ngoài hiện đóng góp 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu và khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Ảnh: TTXVN

Vốn đăng ký cấp mới giảm

Số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy: Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/3/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 7,8 tỷ USD, giảm 19,3% so cùng kỳ năm trước.

Không chỉ vốn đăng ký giảm, mà vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài cũng giảm 2,2% so cùng kỳ, đạt 4,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, tuy cả nước có 590 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 58,6% so cùng kỳ trong năm 2022 nhưng các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới một triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong ba tháng vừa qua.

Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều lợi thế về cảng biển nước sâu, hạ tầng giao thông thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế năng động của khu vực Đông Nam Bộ, là vùng đất giàu tiềm năng và hứa hẹn cho các nhà đầu tư. Nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết: Thu hút vốn FDI của tỉnh đang có dấu hiệu chững lại, nhỏ giọt. Trong quý I/2023, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ thu hút được ba dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 35,38 triệu USD, diện tích đất sử dụng khoảng 10ha.

Là địa phương có hạ tầng tốt nhất cả nước và cũng đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến đầu tư lớn, song theo Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên, tỉnh chưa đạt kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2022 như kỳ vọng, chỉ đạt 623,8 triệu USD. Do vậy, mục tiêu thu hút ít nhất một tỷ USD vốn FDI trong năm 2023 là thách thức lớn, cần nhiều nỗ lực để đạt được.

Ông Kiên cho biết thêm: "Để duy trì trong nhóm dẫn đầu thu hút vốn FDI trên cả nước, cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Các khu công nghiệp đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm nhiều dự án sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực như công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động".

Cần có phản ứng chính sách kịp thời

Ngoài Trung Quốc, hiện nay, Việt Nam có hai đối thủ nặng ký trong thu hút FDI là Ấn Độ và Indonesia. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Ấn Độ có đội ngũ lao động dồi dào, giá rẻ, chi phí sản xuất thấp. Chính phủ Ấn Độ cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hết sức có thể cho các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào địa phương. Còn Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thu hút 45,6 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022, tăng 44,2% so năm 2021. Năm ngoái, mức tăng trưởng FDI của nước này cao nhất thế giới.

Trong bối cảnh này, phân tích về những áp lực trong thu hút FDI của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh lưu ý: Nguyên nhân sâu xa khiến dòng FDI chảy vào Việt Nam suy giảm có liên quan môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực hấp thụ và sự chuẩn bị sẵn sàng để đón dòng vốn lớn, bao gồm cả về đất đai, nhân lực, hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ… Đặc biệt, gần đây là những lo lắng của nhà đầu tư liên quan thuế tối thiểu toàn cầu. Đã có dấu hiệu cho thấy, các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Phải làm sao để những khẳng định "Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn" và là "lựa chọn hàng đầu để đầu tư" được hiện thực hóa bằng việc các tập đoàn, tổ chức quốc tế rót vốn đầu tư, chứ không chỉ dừng lại ở những tuyên bố. Trăn trở với điều này, GS,TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đồng thời cảnh báo: Không chỉ phải cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực, giờ đây, Việt Nam còn phải cạnh tranh với chính các nước "xuất khẩu" đầu tư. Bởi, chính phủ các nước phát triển đang có xu hướng hạn chế FDI ra ngoài để tập trung nguồn lực ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế, thất nghiệp cũng như bảo đảm an ninh quốc gia đối với công nghệ nguồn. Ông Nguyễn Mại dẫn chứng, các nước Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy kinh tế "tự chủ chiến lược" thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài. Còn Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang có những chính sách hỗ trợ, ban hành luật thu hút các doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ngoài quay về sản xuất, kinh doanh trong nước…

Trước chỉ dấu về tốc độ thu hút FDI chậm lại, nhìn chung, các khuyến nghị đưa ra đều tập trung vào ba điểm đột phá chính gồm hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, cần sẵn sàng quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu của những dự án "khủng"; phải có những doanh nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài... Cùng với đòi hỏi cấp bách sớm có phản ứng chính sách đối với thuế tối thiểu toàn cầu, chúng ta cũng cần phải giải quyết những hạn chế, tồn tại từ trước tới nay, như: Chất lượng lao động, thủ tục hành chính rườm rà, quy mô xúc tiến thương mại còn khiêm tốn…

Quý I/2023, trong 67 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1,69 tỷ USD, chiếm khoảng 31% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 26,3% so cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc đứng thứ hai với gần 552 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư, giảm 38,3% so cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 477 triệu USD, chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư, tăng 47,5% so cùng kỳ năm ngoái...