Thiêng liêng hành trình đưa các anh về Đất Mẹ

Gần 30 năm nay, đều đặn, cứ vào mùa khô, Đội K53 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum) lại tổ chức xuất quân đi tìm hài cốt liệt sĩ tại ba tỉnh khu vực Nam Lào và tỉnh Ratanakiri (Campuchia) để đưa các anh về an táng tại quê hương. Đối với cán bộ, chiến sĩ Đội K53, đây là nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng, cao cả.
0:00 / 0:00
0:00
Dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ngọc Hồi.
Dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ngọc Hồi.

Những dấu chân không mỏi

Đã nhiều năm dự Lễ xuất quân của Đội K53 lên đường làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh, tại ba tỉnh Nam Lào (tỉnh Attapeu, Se Kông, Champasak) và tỉnh Ratanakiri (Campuchia) nhưng trong tôi, nỗi bồi hồi, xúc động vẫn vẹn nguyên.

Ở đó, có những giọt nước mắt của những người vợ tiễn chồng, những người con tiễn cha mình lên đường đi làm nhiệm vụ thiêng liêng; có những ánh mắt hy vọng của người thân các liệt sĩ đã hy sinh trên đất bạn nhưng chưa tìm được hài cốt; có những ánh mắt ngưỡng mộ xen lẫn tự hào của thế hệ trẻ…, cùng những cái bắt tay thật chặt, nồng ấm của đồng chí, đồng đội, chúc các anh chân cứng, đá mềm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những chuyến xe chuyên dụng chở từ cuốc, xẻng, dao, rựa, chăn, màn cho đến nồi niêu, xoong chảo, thực phẩm… lăn bánh. Những nụ cười tươi, những cái vẫy tay chào tạm biệt thể hiện sự quyết tâm của các chiến sĩ K53 gửi đến gia đình, đồng đội khi lên đường sang đất bạn để làm nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả.

Gần 30 năm qua, dấu chân các anh đã in trên khắp mọi nẻo đường, thuộc nằm lòng những đoạn dốc, những khúc cua khúc khuỷu, vượt qua bao con sông, con suối trên những con đường mòn cheo leo trên vách núi, đào bới hàng chục nghìn mét khối đất đá, hàng trăm cây số đường hào..., ăn rừng, ngủ núi, thường xuyên đối mặt sốt rét, thú rừng, nguy hiểm trùng trùng. Những cái tên như đèo Âmpun, dốc Cổng trời, làng Mui, làng Két, làng Chong... đã trở nên gần gũi với các anh.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ của Đội K53 gặp phải không ít khó khăn, vất vả, bởi địa hình tìm kiếm thường là các vùng đồi, núi rộng lớn; từng là địa bàn chiến tranh ác liệt, vật liệu nổ còn sót lại nhiều, nếu không tổ chức rà tìm cẩn thận thì rất nguy hiểm, không bảo đảm an toàn. Khí hậu, thời tiết rất khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn, nhất là phải cơ động sớm, trèo đèo, băng rừng, vượt suối hàng giờ đồng hồ, mà trên vai mỗi cán bộ, chiến sĩ cõng lương thực, dụng cụ đào bới hơn 20 kg. Đặc biệt, thời gian tìm kiếm mộ liệt sĩ là mùa khô, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng, phải tiết kiệm từng giọt, có khi hai đến ba ngày mới được tắm một lần.

Thượng tá Lê Công Khoa, Đội trưởng K53, cho biết: "Nguồn thông tin về vị trí các liệt sĩ nhận được khá đa dạng, từ thông tin của Bộ Quốc phòng, của Quân khu; từ nguồn tin của người dân, doanh nghiệp; từ các bác, các chú cựu chiến binh... Tuy nhiên, những người trực tiếp biết thông tin đều tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe về lại chiến trường xưa, trí nhớ không còn minh mẫn. Do đó, việc khảo sát, thu thập thông tin ngày một khó khăn; có những lần đào tìm hằng tháng trời không có kết quả. Cũng có khi các ngôi mộ đó đã bị san phẳng, cuốn trôi; những nhân chứng, người trực tiếp chôn cất hay chăm sóc các phần mộ có khi đã quá già hoặc không còn sống, nên việc xác định vị trí mộ chính xác là cực kỳ khó khăn".

"Muốn tìm kiếm được các chú, các bác, ngoài trách nhiệm, tâm huyết thì anh em phải thông thạo địa bàn, xây dựng được các mối quan hệ tốt với nhiều đối tượng và làm công tác dân vận giỏi", Thượng tá Lê Công Khoa nhấn mạnh.

Những chiến công thầm lặng

Mỗi khi nghe được manh mối ở bất kỳ đâu, mỗi cán bộ, chiến sĩ Đội K53 cũng lần tìm đến cho bằng được, dù mất cả tuần lễ băng rừng lội suối, với tâm niệm: Biết các bác, các chú đang ngủ dưới đó, mà không đưa về được, là có lỗi. Nếu xương cốt không vẹn nguyên, cũng phải tìm cho được một di vật đưa về Tổ quốc.

Giữa nơi rừng thiêng nước độc, trong phút giây linh thiêng nâng niu di vật của các liệt sĩ, nước mắt mừng vui cứ chảy dài trên những khuôn mặt cháy nắng. Khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ, anh em phải dùng tay gạt nhẹ từng lớp đất, săm soi, thu nhặt từng di vật, không được bỏ sót bất cứ thứ gì, dù là nhỏ nhất... Sau đó làm thủ tục khâm liệm giản dị nhưng trang nghiêm và thành kính, hài cốt liệt sĩ tìm được luôn mang theo bên người. Những người lính của Đội K53 luôn có niềm tin, rằng mình đang thực hiện một sứ mạng thiêng liêng. Cũng vì niềm tin ấy mà dù gian khổ là thế, trong lịch sử của Đội K53, chưa có một ai nao núng, lung lạc, rời bỏ nhiệm vụ...

Tính đến mùa khô năm 2022-2023, Đội K53 đã tìm kiếm, quy tập về nước được 1.351 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 911 hài cốt từ Lào và 440 hài cốt từ Campuchia. Đội còn quy tập được 705 hài cốt liệt sĩ ở trong nước.

Đồng chí Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Kon Tum, cho biết: "Những chiến công của Đội K53 thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc ta. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các gia đình liệt sĩ, người có công thì công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn về nước là chủ trương lớn, có ý nghĩa chính trị, xã hội và tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của những người đang sống đối với các liệt sĩ đã hy sinh, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của thân nhân các gia đình liệt sĩ".

Không chỉ nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phát huy tốt phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", trong quá trình hoạt động, Đội K53 luôn giữ nghiêm kỷ luật quân đội và quan hệ quốc tế; chấp hành nghiêm pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân nước bạn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để thu thập thông tin, phục vụ cho công tác tìm kiếm, quy tập đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời góp phần củng cố mối quan hệ, tình đoàn kết hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Ngoài công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, lực lượng của ta còn giúp đỡ nước bạn trong sự cố vỡ đập thủy điện. Cuối tháng 7/2018, tại tỉnh Attapeu (Lào) đã xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, lực lượng của ta đã chủ động tổ chức hai đợt lên đường tìm kiếm người bị nạn, giúp người dân nước bạn khắc phục hậu quả. Trong 20 ngày, đơn vị vận chuyển người và hàng hóa bằng sáu chuyến ô-tô, 30 chuyến xuồng ra khỏi khu vực ngập lụt. Cứu trợ lương thực cho 15 gia đình, tặng 50 bộ quần áo cho bản Khộc Koong, dọn vệ sinh cho 25 phòng học và 65 nhà dân, tô thắm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng nhân dân nước bạn Lào.

"Càng về sau, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, dù khó khăn đến đâu, những người lính Đội K53 vẫn nỗ lực hết mình. Còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, chúng tôi sẽ còn tổ chức tìm kiếm, quy tập", Thượng tá Lê Công Khoa bày tỏ.