Chậm thực hiện quy hoạch
Hình ảnh xe ô-tô đỗ tràn lan trên các vỉa hè, lề đường hay khoảng trống nơi cổng bệnh viện, trường học, vườn hoa, công viên… đã trở thành chuyện thường ngày ở Hà Nội. Hiện số phương tiện giao thông ở Thủ đô đã lên đến hơn 5,9 triệu, riêng ô-tô là 600.000 phương tiện và vẫn tiếp tục tăng. Ðiều đáng nói, hiện nay diện tích giao thông tĩnh mới đáp ứng được 8-10% nhu cầu của người dân, 90% còn lại, người dân tìm đến các điểm đỗ xe tạm thời, các vị trí công sở, sân cơ quan, khu đô thị, lòng đường, vỉa hè và một số bãi đất dự án chưa sử dụng.
Trả lời Nhân Dân cuối tuần, Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng cho biết: Việc quy hoạch, xây dựng các bến xe, bãi đỗ, quy hoạch vùng trên địa bàn Hà Nội được thực hiện chậm. Các bãi đỗ xe trong các bệnh viện, khu đô thị không đáp ứng đủ nhu cầu đỗ. Do thiếu chỗ nên ở các quận Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hoàng Mai... liên tục xảy ra tình trạng đỗ xe trái phép, hình thành các điểm trông giữ xe tự phát chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Nghịch lý ở chỗ, từ năm 2003, Ðồ án quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 165/2003/QÐ-UBND, song mới chỉ dừng lại ở mức độ xác định chỉ tiêu và dự báo tổng nhu cầu quỹ đất dự kiến dành cho điểm đỗ xe. Các chuyên gia giao thông đánh giá, Ðồ án chưa có quy hoạch chi tiết, nên muốn kêu gọi đầu tư sẽ mất nhiều thời gian khi phải lập quy hoạch, thỏa thuận quy hoạch tổng thể hoặc quy hoạch chi tiết... Thêm nữa, năm 2008 mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Tiếp đó, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt vào năm 2011 và chức năng một số vị trí đã được chuyển đổi và từ đó không tính đến xây dựng bãi đỗ xe.
Cho đến cuối năm 2018, HÐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, về quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe trong phạm vi đô thị trung tâm, quy hoạch 1.480 vị trí bãi đỗ xe với tổng diện tích 1.197,8 héc-ta. Trong đó có 74 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm, 450 bãi đỗ xe cao tầng, còn lại là các bãi đỗ xe mặt đất. Tuy nhiên, KTS Phạm Thanh Tùng bày tỏ: "Ðiều đáng nói, các quy hoạch vẫn chủ yếu nằm trên giấy. Ngay trong bốn quận trung tâm Thủ đô, thì Hoàn Kiếm chỉ có 72 héc-ta, quận Hai Bà Trưng 72 héc-ta, Ðống Ða 9 héc-ta, Ba Ðình 12 héc-ta, nhưng đó cũng chỉ là trên quy hoạch, trong thực tế không đạt được con số đó. Tại quận Hoàn Kiếm đã quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe ngầm, một số nhà đầu tư đăng ký song đến nay chưa dự án nào được triển khai".
Ðâu là vấn đề mấu chốt?
Ðể tháo gỡ khó khăn, phía Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, phải chỉnh sửa hệ thống văn bản pháp quy liên quan đầu tư, xây dựng. Trải qua nhiều thời gian, có nhiều thay đổi dẫn đến kéo dài thời gian lập, phê duyệt và triển khai các dự án vốn đầu tư dự án lớn, thu hồi chậm, do đó cần có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng các dự án bãi đỗ xe ngầm và tự động cao tầng.
Ðể thu hút đầu xây dựng bãi đỗ xe, UBND thành phố đã trình và được HÐND thành phố Hà Nội thông qua một số chính sách như: hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ trực tiếp cho dự án; hỗ trợ 100% tiền thuê đất bãi đỗ xe trong 10 năm đầu; nhà đầu tư được sử dụng tối đa 30% diện tích sàn xây dựng ngầm của dự án để khai thác thương mại... Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang tiếp tục kiến nghị thu hút nhà đầu tư bằng cách cho phép được bán một số vị trí đỗ xe ngầm, xây dựng cơ chế giá trông giữ xe được xã hội hóa nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh hơn.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Ðức Toàn, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) kiến nghị, thành phố nên cho phép tổ chức triển khai trông giữ xe tại các khu đất xen kẹt, đất dự án nhưng chậm triển khai để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân và giao UBND các quận, huyện quản lý.
Nhìn từ góc độ vận hành đô thị, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ, do chạy theo phát triển kinh tế, ở nhiều nơi đã hy sinh đất làm bãi đỗ xe, trồng cây xanh để làm các dự án nhà ở, từ đó tạo áp lực lên hạ tầng giao thông. "Chúng ta cũng bỏ quên không gian ngầm đô thị. Nếu làm tốt quy hoạch, phát triển hạ tầng ngầm, Hà Nội sẽ có hàng vạn héc-ta để làm công trình thương mại, bãi đỗ xe", KTS Trần Huy Ánh kiến nghị. Ðồng quan điểm, ông Ðào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: "Ưu tiên phát triển bãi đỗ xe ngầm là một xu thế rất cần cho Hà Nội. Vấn đề này cũng đã được định hướng trong các quy hoạch chung".
HẢI MIÊN
Nhiều chuyên gia kiến nghị, thành phố cần thực hiện nhanh và nghiêm túc chủ trương di dời các nhà máy, trường đại học ra khỏi nội đô. Những vị trí trống sau di dời, cần phải quy hoạch cho không gian công cộng, tiến hành xây dựng ngay công viên, bãi đỗ xe, chứ không phải để xây chung cư, trung tâm thương mại.