Tham chiếu lịch sử

Lịch sử luôn có giá trị để tham chiếu với diễn biến hiện tại của thị trường chứng khoán (TTCK) nhưng vận dụng thế nào cho hiệu quả lại là cả một nghệ thuật.

Tuần qua, nhiều thống kê đã chỉ ra chỉ số P/E nói chung của TTCK Việt Nam chỉ còn khoảng 12, và thống kê trong lịch sử thì thời điểm này gọi là xưa nay hiếm vì chỉ có ít lần định giá rẻ như vậy, thường dao động trong khoảng 15 mà thôi. Nhưng khác biệt ở đây sẽ nằm ở thời điểm giải ngân hoặc sự vững vàng của mỗi nhà đầu tư (NĐT). Nếu NĐT nào mua vào cách đây một tuần hoặc sớm hơn vài phiên và bán ra vào ngày T+3 thì xem như đã phải cắt lỗ đúng đáy, nhưng nếu giữ và chờ đợi được thị trường cân bằng như hai phiên gần đây hoặc mua vào đúng hôm thứ sáu, ngày 3-5 thì nhiều NĐT đã có lãi.

Một tham chiếu cũng đáng chú ý là mức độ điều chỉnh của VN Index sẽ đi theo từng nấc 200 điểm. Như đã thấy trong thời gian qua, sau khi đạt hơn 1.500 điểm, VN Index điều chỉnh giảm xuống còn 1.300 điểm, sau đó phục hồi rồi lại tiếp tục điều chỉnh xuống vùng hơn 1.100 điểm trước khi phục hồi lên hơn 1.200 điểm. Nhìn lại chỉ mới năm 2018, diễn biến này đã xuất hiện khi từ mốc 1.200 điểm xuống 1.000 điểm rồi 900 điểm. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) cá nhân vẫn có thói quen lấy mốc 100 điểm giảm và cho là “đáng kể” trong khi thực tế biến động 200 điểm mới tạo ra khoảng cách (gap) lớn về giá và sau đó dễ cân bằng. Vấn đề nằm ở chỗ, như một NĐT cá nhân chia sẻ, trong tuần rồi khi thấy VN Index đã ở vùng dưới 1.200 điểm, anh đã bàn bạc với bạn bè về chuyện bắt đáy từ những dẫn chứng lịch sử, nhưng nhiều ý kiến phản bác rằng đã “rẻ vẫn có thể rẻ hơn” và từ đây không ít người đã bỏ lỡ một đợt sóng hồi.

Nói đến đây sẽ thấy rằng, việc tham chiếu dữ liệu lịch sử cần linh hoạt thay vì chỉ phục vụ cho suy nghĩ mang tính chủ quan của mỗi NĐT. Thời gian qua, đã xuất hiện xu hướng thua lỗ ở thị trường cơ sở, tức thua lỗ do cổ phiếu, NĐT lại chuyển sang mua bán các hợp đồng tương lai (HĐTL) hay gọi nôm na là “đánh phái sinh” để “gỡ gạc”. Hiện tượng này đã từng xuất hiện ở năm 2018, khi thanh khoản của thị trường phái sinh tăng vọt, trong khi VN Index giảm điểm liên tục. Nhưng việc “đánh phái sinh” trong thực tế không dễ như nhiều người lầm tưởng, bởi lẽ những biến động là vô cùng khó nhận diện và kiểm soát. Nhìn tổng thể, NĐT có thể phán đoán được phần nào diễn biến của VN Index sau một hoặc vài phiên, nhưng phán đoán chi tiết trong phiên (intraday) biến động như thế nào lại là thách thức cực lớn, mà đây lại là yếu tố quyết định thành công khi giao dịch phái sinh.

Diễn biến trong những phiên vừa qua cũng chỉ ra rằng, cho dù thị trường có giảm điểm thì chưa chắc mở vị thế bán (short) phái sinh đã thắng, bởi khi vào thực chiến, nếu thấy VN30 giảm, tiến hành short, nhưng chỉ cần chỉ số này hồi phục ngay trong phiên thì khả năng NĐT thua lỗ là rất cao. Những dẫn chứng trên đây chỉ ra rằng, việc thống kê và vận dụng được thành công các yếu tố lịch sử vào hiện tại của thị trường, còn cần sự trải nghiệm đủ lớn. Có những giai đoạn, giải pháp tốt nhất của NĐT là giao dịch thận trọng, quan sát tỉ mỉ để đúc rút kinh nghiệm cho mình, hơn là tìm những lý do, có vẻ hợp lý, để giao dịch, nhưng sau đó lại gặp phải những rủi ro đáng tiếc.