Tết là...

Một mùa xuân mới đang tới. Bên thềm nhà, thềm xuân, chúng tôi đã nhận được những chia sẻ của một số văn nghệ sĩ về Tết của ký ức và sự sáng tạo, hòa trong Tết của dân tộc và sắc xuân đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long (áo trắng).
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long (áo trắng).

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long:

Tết là một hành trình của cảm xúc

Tôi thích Tết. Nói vui, đến tuổi này rồi nhưng Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc với tôi vẫn vẹn nguyên y như ngày còn nhỏ. Tết cho tôi nhiều cảm xúc mà ở thời điểm khác không có được. Tết là một hành trình của cảm xúc, đan xen giữa quá khứ và hiện tại, thiên nhiên với con người, giữa chúng ta với người thân và với mọi người chung quanh.

Tôi luôn yêu hình ảnh thành phố thân thương của mình đông đúc, hối hả, bận rộn hơn trong những ngày áp Tết. Bận mấy, tôi vẫn dành thời gian tận hưởng cảm giác đi ngắm, chọn những cành đào, háo hức đợi đến giây phút Giao thừa, nghe Chủ tịch nước chúc Tết và cùng gia đình chuẩn bị mâm cỗ cúng tân niên và rồi đợi ngày mồng Một Tết, đi lễ ở chùa, đền gần nhà…

Tết, đối với tôi cũng như nhiều người Việt, là thời điểm dành cho gia đình, là khoảng thời gian mà chúng ta cùng hướng về ông bà, tổ tiên và cùng háo hức với những kế hoạch của từng thành viên trong năm mới vừa sang. Tết là một lập trình mỗi năm tái hiện một lần nhưng cảm xúc không bị mòn, không bao giờ vơi cạn, ngược lại, đây chính là thời điểm đặc biệt giao hòa giữa trời đất trong vòng quay của thời gian nên nó như một lần để mỗi chúng ta tiếp thêm năng lượng dồi dào, hứng khởi, để tiếp tục hành trình cuộc đời với những cống hiến, những yêu thương và sẻ chia.

Tết cũng là khởi đầu của một mùa xuân mới, mang theo niềm vui của những khát khao, hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến với mỗi chúng ta trong một năm tiếp theo. Trong không khí xuân, tôi có thói quen khai bút đầu xuân, ngay trong những ngày Tết. Tôi viết một điều gì đó nhẹ nhàng hoặc sáng tác một giai điệu, một bài hát xẩm, hát xoan, trống quân nào đó. Không cần nhiều, cũng không nhất thiết phải trọn vẹn đầy đủ tác phẩm mà có thể chỉ là một đoạn trong một bài viết, một vài trổ hát trong một bài nhạc cổ truyền.

Việc khai bút đầu xuân cũng là nhằm gửi gắm hy vọng một năm mới dồi dào nguồn cảm hứng sáng tạo để tiếp tục hành trình nghệ thuật của mình.

Tết là... ảnh 1

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang:

Bước đi trong bao hân hoan, trong những men đời thơm ngọt

Tết là của người. Xuân là của đất trời. Tết là khi mùa xuân về chín mọng, mang bao nhiêu đổi thay, tươi mới. Mùa xuân ban phát những giấc mơ, làm cho bất kỳ ai có điều gì đó để chờ đợi, mong cầu. Mọi ước muốn sâu xa nhất bừng khởi và nguyện cầu cho tất cả sẽ là sự thật. Tâm tưởng bị đánh thức và luôn nhớ rằng, mỗi một mùa xuân đến mình đã bước đi trong bao hân hoan, trong bình yên mới của những men đời thơm ngọt. Để có được điều đó, Tết cũng nhắc nhở ta về trách nhiệm, về sự cống hiến cho gia đình, quê hương, đất nước, ngõ hầu một năm mới đầm ấm, viên mãn. Tết là đoàn viên đầy hạnh phúc của gia đình, là cuộc hội ngộ của bao mối quan hệ thân ái. Và trên tất cả, Tết là văn hóa truyền thống của dân tộc, là sự tri ân tổ tiên, là nguyên liệu sâu sắc tạo nên những ký ức ngọt ngào của bao nhiêu thế hệ.

Nhiều lúc tôi nhớ đến Tết và xuân chỉ đơn giản một bông mai vàng lụa năm cánh trước hiên nhà. Mùa xuân là đồi cỏ hoa đầy mầu sắc trong ký ức ấu thơ mỗi lần theo gia đình đi chạp mộ tổ tiên. Mùa xuân là con đường quê đất đỏ, những hàng chè tàu lấm tấm mầu đen của tro tàn giấy vàng mã được đốt những ngày Tết. Và Tết sẽ đến sớm nếu bật những bài hát ngày xuân đong đầy kỷ niệm trong một chiều mưa xứ Huế nhạt nhòa. Xuân ôm lấy tôi khi qua cầu Trường Tiền, đi dọc bờ sông và nhờ ân điển của gió để ngửi mùi vị trầm lãng của những mùa xuân từ vạn cổ. Đó là nguồn cảm hứng dạt dào, vô tận trong những tác phẩm mà cho đến nay tôi vẫn chưa khai thác hết, vẫn còn đó những trăn trở nối dài qua tháng năm. Một lúc nào đó, tôi sẽ dành riêng một cuốn sách để nói về Tết và xuân nhiều kỷ niệm ấy.

Tết là... ảnh 2

Dịch giả, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Vi Thủy (Umea, Thụy Điển)

Dịch giả, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Vi Thủy (Umea, Thụy Điển)

Nỗi nhớ mầu và mùi Tết ấu thơ

Sống xa quê hương, nhớ về Tết, trong tôi chỉ đọng lại những dáng, những hình đẹp của năm tháng tuổi thơ. Những ngày giáp Tết, tôi là con cả trong nhà nên được giao đủ việc: rửa lá dong, xếp hàng mua mứt Tết, mang bột mì đi làm bánh quy gai xốp, cùng bố gói bánh chưng, đạp xe qua các phố mang quà biếu ông bà nội ngoại. Trên đường đi, cứ mải ngắm nhìn hai bên vỉa hè người ta nấu bánh chưng, thấm thêm mùi lá mùi già nấu nước tắm kế bên, âm vang tiếng trẻ con đùa chạy. Tôi thích đi chợ hoa, thích dắt xe đạp len qua những người bán đào, những gánh hoa violet, thược dược đủ mầu, những bông đồng tiền đơn mảnh mai, đỏ thắm. Ngày ấy chỉ có Tết mới được ăn bánh mứt, tôi chỉ thích mứt bí, mứt dừa mà trong hộp mứt Tết nào, nhiều nhất vẫn là viên mứt lạc mà trẻ con hay gọi là trứng chim, chẳng mấy người ăn vì cứng quá... Nhớ những tinh mơ sáng mồng Một, tôi đạp xe đi chùa, đường phố vắng tanh, xác pháo từ đêm Giao thừa rắc đầy trên phố.

Giờ tôi ở tận xứ Bắc Âu, vào dịp Tết quê mình, quanh tôi chỉ là tuyết một mầu trắng xóa. Đôi khi, tôi thấy mình may mắn, may mắn vì không bị tan vào dòng hối hả, áp lực của chuẩn bị đủ thứ cho gia đình, họ mạc mỗi khi Tết sắp về như mẹ tôi thuở nào nhưng vẫn nguyên đây một nỗi nhớ mầu và mùi Tết ấu thơ. Tết có cần không nhỉ? Cần chứ, Tết như một cột mốc trên hành trình cuộc đời, ta đi từ cột mốc này đến cột mốc tiếp theo nhưng tất cả đều là những cột mốc đáng nhớ. Nay, những cái Tết xếp hàng như thuở nào chắc không còn nữa; những cái Tết tất bật lo toan như của bà, của mẹ tôi có lẽ cũng vợi dần. Nhưng tất cả sẽ vẫn đây, trong ký ức mỗi người, nhắc nhớ ta về sự chuẩn bị, háo hức đón chờ và hy vọng cho một năm mới của nhiều điều mới. "Mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời…", tiếng hát trong veo của ca sĩ Kim Phúc trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam mỗi đêm Giao thừa có làm ai không lâng lâng xao xuyến?!