Tết đang đổi thay

Những cuộc tranh luận về các giá trị cũ - mới vẫn đang tiếp tục được khơi lên mỗi khi Tết đến - Xuân về. Nhưng thay vì phủ nhận các giá trị của Tết, người Việt đang hướng đến việc định hình những phương thức ăn Tết mới, thích hợp với điều kiện của xã hội hiện đại. Không nằm ngoài sự chuyển động của một xã hội đang phát triển, Tết cũng đang “vận động”, để thích nghi với cuộc sống mới.

Sự đổi thay của Tết, bắt đầu từ chính những đổi thay về cơ cấu kinh tế - xã hội. Ảnh: QUANG VINH
Sự đổi thay của Tết, bắt đầu từ chính những đổi thay về cơ cấu kinh tế - xã hội. Ảnh: QUANG VINH

Từ Tết sum vầy đến Tết chơi xa

Tết Nguyên đán là thời khắc quan trọng nhất trong năm. Những người trong gia đình quây quần bên nhau, nhất là bên mâm cơm tất niên chiều 30 Tết, bên nhau đón giao thừa, và rồi cùng nhau chúc Tết những người họ hàng thân thích, bạn bè từ lâu đã là lẽ tất yếu của cuộc sống. Những người đi làm ăn nơi xa, dù khó khăn đến mấy, cũng cố gắng về sum họp với gia đình, người thân. Chỉ một hình ảnh bập bùng bếp lửa bánh chưng, mùi hương trầm ngan ngát, hương cây mùi già… cũng làm lòng người thấy xôn xao. Tết, là sự trở về với gia đình, với nguồn cội.

Nhưng với nhiều người, những hình ảnh đó bắt đầu trở thành câu chuyện cũ. Khoảng mười năm trước, du lịch đúng vào dịp Tết Nguyên đán, mới là hiện tượng. Bây giờ, nó bắt đầu là một xu thế. Khởi nguồn từ giới trẻ, khi các bạn trẻ muốn tìm những trải nghiệm mới, ở những vùng đất lạ thay vì một cái Tết theo “lối mòn”. Bây giờ, nó lan sang cả người có tuổi. Nhiều gia đình cúng tất niên sớm, để chiều 30 cả gia đình cùng lên đường. Không còn cảnh quây quần đón giao thừa, cũng không còn những nụ cười, những cái bắt tay với họ hàng, người thân trong ba ngày Tết. Có gia đình bố mẹ, con cái mỗi nhóm tổ chức một tua riêng, hẹn trở về vào ngày… hóa vàng. Nếu không đi du lịch, người ta cũng dành thời gian cho các hoạt động vui chơi, giải trí ở nơi công cộng nhiều hơn.

Do lối sinh hoạt mới, mà dịp Tết trở thành dịp bận rộn với những công ty du lịch. Từ hơn một tháng trước Tết Nguyên đán, các công ty lớn như: Viettravel, Fiditour, Transviet Travel… đã nhận đặt tua của khách. Lựa chọn phổ biến nhất của khách hàng là du lịch nước ngoài như: Ô-xtrây-li-a, Bắc Mỹ và châu Âu; khu vực châu Á, phổ biến nhất là khách đăng ký đi du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái-lan. Ở trong nước, người ta thường có xu hướng chọn những vùng miền có những nét văn hóa khác biệt cho những chuyến đi. Những không gian bình yên, khoáng đạt như miền núi phía bắc hay miền trung, Tây Nguyên… với phong cảnh hoang sơ và những nét văn hóa độc đáo là điểm đến được ưa thích. Bên cạnh đó, nhiều năm nay, Tết luôn là dịp các hãng phim trong nước “bung hàng”, bởi đây là dịp nhu cầu vui chơi, giải trí tăng đột biến. Nhiều hãng phim Việt cả năm chỉ tập trung làm phim phát hành dịp Tết Nguyên đán. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều quan niệm mới, cách đón Tết mới ra đời, mà người ta gọi là “Tết hiện đại”.

Vẫn còn nhiều người mong muốn phải có nồi bánh chưng, phải có mâm cơm quây quần, cả gia đình phải ngồi cùng nhau đón giao thừa, và gia đình cùng nhau đi chúc tụng… thì mới “đúng vị” Tết. Song với nhiều người, cái Tết kiểu truyền thống khiến họ cảm thấy áp lực. Mấy năm nay, trên mạng xã hội lan truyền câu: “Đang yên đang lành tự nhiên… Tết”. Câu nói đó nhận được vô vàn lượt chia sẻ, lượt “like”. Người ta ít dành thời gian cho nấu nướng cỗ bàn, thăm nom người thân hơn xưa. Thay vào đó, là các hoạt động vui chơi, giải trí của cá nhân, hoặc gia đình nhỏ.

Tết đang đổi thay ảnh 1

Đi tìm sự thích ứng

Tết xưa lạc hậu và cần có những thay đổi, hay Tết nay quá hiện đại, cần phải trở về truyền thống? Câu hỏi này không dễ trả lời. Song không thể phủ nhận, Tết đang đổi thay. Nhiều người tổng kết đó là sự chuyển đổi từ “Tết ăn”, sang “Tết chơi”. Song, điều này không hoàn toàn chính xác. Đúng hơn phải là sự thay đổi tính chất của chơi Tết, vì Tết xưa, người dân thành thị và nông thôn đều dành rất nhiều thời gian cho việc vui chơi. Nhà du hành nổi tiếng thế giới người Anh Williams Dampier, trong cuốn Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài (năm 1688) đã ghi lại: “Những người này tiêu khiển bằng các trò chơi hay vận động. Ðường phố đông như nêm cối, nhà quê cũng như kẻ chợ, nô nức đi xem các trò giải trí…”. Nhưng người ta chỉ bắt đầu “chơi Tết” sau khi hoàn thành những nghĩa vụ thăm nom, chúc tụng họ hàng, người thân…

Sự đổi thay của Tết, bắt đầu từ chính những đổi thay về cơ cấu kinh tế - xã hội. Tết ra đời trong một xã hội nông nghiệp tiểu nông, mang đậm dấu ấn văn hóa làng xã. Trong xã hội ấy, cuộc sống mỗi con người gắn chặt trong quan hệ với gia đình, họ tộc, làng xóm. Dù muốn hay không, người ta phải dành rất nhiều thời gian để chúc Tết họ hàng xa gần, hàng xóm láng giềng. Trong một xã hội đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, con người luôn cố dành những điều tốt đẹp nhất cho dịp Tết. Quá trình chuẩn bị cho Tết kéo dài cả tháng. Người ta phải quà cáp, biếu xén người thân, phải chuẩn bị tiền mừng tuổi, phải trang trí nhà cửa sao cho tươm tất, phải may mặc quần áo mới… Cỗ Tết chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt mỗi gia đình. Phong tục cũ, mỗi ngày Tết phải làm một mâm cúng tổ tiên. Tình cảm dành cho nhau được thể hiện qua mâm cơm. Hễ có khách là gia chủ liền dọn mâm. Người Việt thường nói “ăn Tết”, chính bởi sự quan trọng của cái ăn.

Ngoại trừ áp lực kinh tế, những vấn đề trong chăm sóc các quan hệ gia đình, làng xóm sẽ được xử lý tương đối nhẹ nhàng trong một xã hội nông nghiệp cũ, vì Tết diễn ra đúng dịp nông nhàn. Người ta có cả “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Những mâm cỗ cũng được “giải quyết” hết, khi người ta ăn uống kham khổ quanh năm. Thời bao cấp, mỗi người chỉ được phân phối vài lạng thịt. Để chuẩn bị cho một đám giỗ, nhiều gia đình phải nhịn thịt cả tháng trời. Bây giờ, ngày thường người ta phải đau đầu nghĩ việc đổi món cho ngon miệng, thì những món “lặp đi lặp lại” của “hương vị cổ truyền” gồm: bánh chưng, thịt gà, giò xào, giò lụa, nem, canh măng… rất dễ trở thành những món “ế” sau Tết. Cuộc sống ngày nay gấp gáp. Thêm một đống công việc cho Tết trở thành một áp lực lớn.

Kinh tế thay đổi, các mối quan hệ xã hội thay đổi theo. Vị trí của gia đình theo nghĩa rộng giảm đi. Trước đây, cảnh một gia đình rồng rắn đi chúc Tết hết nhà này đến nhà khác là chuyện hết sức phổ biến. Nay, cái tôi cá nhân có nhu cầu được giải phóng. Sau những ngày lao động vất vả, người ta muốn dành thời gian cho bản thân, cho gia đình nhỏ. Những tục lệ bắt đầu gây ra sự phiền hà với những người đề cao cái tôi cá nhân. Xưa, việc “chơi Tết” là những trò vui dân gian ngay nơi sinh sống, thì sự phát triển của kinh tế, sự phát triển giao thông, cùng với các phương tiện truyền thông, mở ra cánh cửa sổ mới nhìn ra thế giới, đem lại cho con người nhiều lựa chọn hơn trong đón Tết.

Tết Việt không nằm ngoài sự vận động của toàn xã hội. Không có phong tục nào là bất biến. Bản thân Tết Việt, cùng với thời gian, cũng đã đổi thay rất nhiều. Dù ủng hộ hay phản đối cái Tết “kiểu mới”, thì không ai có thể đảo ngược thời gian để quay lại những tháng ngày xưa cũ. Cuộc sống hôm nay cho người ta nhiều lựa chọn, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mình, mà không chỉ có “một thước đo” như thuở trước. Nếu thường ngày chúng ta vẫn quan tâm đến ông bà cha mẹ, thì chẳng ai phản đối khi ta vui đón Tết ở một phương trời xa. Nhưng sẽ xảy ra điều ngược lại khi du ngoạn Tết mà để ông bà cha mẹ cô đơn, bệnh tật trong những ngày đầu năm mới. Chơi Tết, du lịch Tết không làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc. Vì giá trị cốt lõi của Tết nằm trong chính nhận thức, cảm nhận và ứng xử của mỗi con người, trước thời khắc chuyển giao của một năm mới.

Tết thật sự vẫn luôn hiện hữu, ở trong tâm mỗi người.