Lặng lẽ tìm "đất hứa"
Sau một lần đến thăm người thân từng theo làn sóng di cư tự do đến huyện Đắk Glong (Đắk Nông), năm 2012, chị Hoàng Thị Xuân, dân tộc Dao, quyết định cùng chồng vào miền đất này lập nghiệp. Đến nay, sau nhiều năm từ miền bắc vào Đắk Nông, cuộc sống gia đình chị vẫn rất vất vả, bấp bênh. Không có hộ khẩu, hai người con đã đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa có giấy khai sinh. Thêm nữa, gia đình chưa được hưởng các chế độ trợ cấp theo quy định vì thuộc diện dân di cư tự do, thậm chí còn đang chiếm giữ đất lâm nghiệp trái quy định do mua đất không rõ nguồn gốc.
Cũng như nhiều bà con người đồng bào dân tộc thiểu số khác, giai đoạn 2005-2010, hàng trăm hộ người dân tộc H’Mông ở phía bắc cũng tìm đến "định cư" giữa vùng sâu khu vực Tây Sơn, Đạ M’Pô, tiểu khu 178, 179, 181, thuộc xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, Lâm Đồng. Chúng tôi từng trò chuyện cùng ông Ma Seo Cháng ở tiểu khu 179, ông chia sẻ: "Nói thật, di cư tự do, sống chui lủi giữa rừng khổ lắm. Nhiều lúc nản chí định bỏ về, nhưng ở quê cũng khó khăn nên đành cố bám trụ... May nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nên đỡ phần nào".
Cách đây chưa lâu, chúng tôi từng vạch lau lách tìm đến tiểu khu 265, 271, ở xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, Đắk Lắk. Hai tiểu khu cách trung tâm xã khoảng 30km, nhưng đi xe máy phải mất hơn hai giờ đồng hồ. Trước mặt là những túp lều tạm bợ, nhếch nhác cạnh một cánh rừng bị phá tan hoang. Chúng tôi ghé lều, trò chuyện với vợ chồng anh Sùng Dao Cán, dân tộc Dao, quê Cao Bằng, di cư vào tiểu khu 265 được vài năm. Nhìn lên ngọn đồi phía trước, anh Cán nói: "Biết là sai, nhưng để có đất sản xuất, tôi và nhiều người khác đã phá một ít rừng để trồng ngô, sắn mưu sinh". Theo lời anh Cán, cuộc sống của người dân ở đây khốn khó tột cùng. Tất cả họ đều là dân di cư tự do nghèo đói, thiếu thốn đủ bề bởi không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân, sống trong điều kiện không có điện, nước dùng lấy từ suối, không trường học, không trạm y tế... Cuộc mưu sinh gian nan của anh Sùng Dao Cán và những người đồng hương, cùng những dân tộc khác trên vùng đất mới, cũng là nét chung của hàng nghìn hộ đồng bào từ nhiều miền Tổ quốc đến vùng đất Tây Nguyên bằng con đường di cư tự do.
Gánh gồng xử lý hệ lụy
Từ sau năm 1975 đến nay, khu vực Tây Nguyên luôn có các biến động dân cư với quy mô lớn. Năm 1976, dân số Tây Nguyên khoảng 1,23 triệu người, với 18 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 69% dân số; đến năm 1993, tăng lên 2,37 triệu người, với 35 dân tộc; năm 2003 là 4,67 triệu, với 46 dân tộc và đến nay dân số gần 6 triệu người, với 54 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc thiểu số gần 2,2 triệu người. Từ năm 1976 đến nay, làn sóng di cư tự do đến Đắk Lắk khoảng 60 nghìn hộ, với hơn 291 nghìn người; tại Đắk Nông hơn 38 nghìn hộ, với khoảng 173 nghìn người và tại Lâm Đồng là 2.166 hộ, với hơn 8,2 nghìn người. Hàng nghìn người dân các tỉnh phía bắc bỏ lại bản làng cố hương, mang theo khát vọng đổi đời đến với Tây Nguyên bằng con đường di cư tự do. Mông lung, lạ lẫm, không hình dung trước tương lai, nhưng dòng người di cư tự do vẫn ồ ạt đến Tây Nguyên.
Kết quả rà soát đến năm 2022, Tây Nguyên còn hơn 16 nghìn hộ dân di cư tự do, với khoảng 49,8 nghìn người, đang sinh sống phân tán tại các địa phương cần được sắp xếp, bố trí ổn định theo quy hoạch. Đây là bài toán khó với các tỉnh vùng phên dậu phía tây Tổ quốc. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng dân di cư tự do kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế-xã hội, phá vỡ quy hoạch dân cư, quy hoạch đất đai, vùng sản xuất, phát sinh một số điểm nóng về an ninh trật tự và tình trạng lấn chiếm, phá rừng liên tục xảy ra.
Những năm gần đây, việc ổn định tình hình dân di cư tự do được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; các địa phương tích cực thực hiện các dự án bố trí dân di cư tự do bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, đời sống của người dân dần đổi thay. Cụ thể như giai đoạn 2016-2021, Lâm Đồng đã triển khai chín dự án, nguồn vốn hơn 296 tỷ đồng, đã bố trí ổn định 692 hộ, với 2.768 nhân khẩu, đạt hơn 30% so mục tiêu đề ra. Tại Đắk Lắk, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã lập quy hoạch 17 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do và đã được phê duyệt 15 dự án, trong đó có 13 dự án đang triển khai, với tổng mức đầu tư hơn 670 tỷ đồng, quy mô bố trí tập trung cho 4.402 hộ dân di cư tự do. Tỉnh Đắk Nông có 13 dự án ổn định dân di cư tự do trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025, nhưng kinh phí triển khai chưa được bố trí kịp thời…
Thực tế tại Tây Nguyên cho thấy, trong thời gian dài, việc giải quyết tình trạng dân di cư tự do vẫn còn nhiều khó khăn, mà thiếu hụt nguồn vốn triển khai chỉ là một trong nhiều vấn đề cần phải được giải quyết tận gốc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết: "Hiện nay, tuy tình trạng dân di cư tự do đến Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên không còn ồ ạt như trước đây, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, số hộ dân di cư tự do cần bố trí ổn định vẫn còn nhiều, gây áp lực lớn cho chính quyền và các ngành chức năng địa phương".
Còn theo đề xuất từ Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông Phạm Tuấn Anh, để xử lý căn cơ tình trạng dân di cư tự do, trước hết, phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân. Đi đôi với đó là triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm người dân tại chỗ có sinh kế, có đủ điều kiện phát triển sản xuất và được chăm sóc đủ về an sinh xã hội để họ yên tâm định cư, lao động và nâng cao đời sống. Khẩn trương ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện các nội dung, giải pháp của chương trình bố trí dân cư tại địa phương; rà soát, bổ sung các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do theo kế hoạch và ưu tiên bố trí nguồn vốn để hoàn thành dứt điểm các dự án. Cùng với đó, tạo điều kiện cho người dân di cư tự do được hưởng các quyền lợi, lợi ích hợp pháp và thực hiện các nghĩa vụ công dân tại địa phương; triển khai các mô hình sinh kế hợp lý để người dân phát triển kinh tế bền vững. Những giải pháp đồng bộ này không chỉ giúp Tây Nguyên giải quyết tận gốc những hệ lụy của di dân tự do mà xét tổng thể, còn giúp cho nhiều địa phương khác có được nguồn lao động tại chỗ dồi dào, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố trên cả nước.