Tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc nhập khẩu

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô Việt Nam còn yếu cả về số lượng, năng lực, chủng loại và chất lượng sản phẩm, cũng như khả năng cung cấp. Kết quả tất yếu là phần lớn các linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô-tô tại Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào… nhập khẩu. Và mục tiêu gia tăng tỷ lệ, giá trị nội địa hóa đối với ô-tô sản xuất trong nước dường như vẫn là một bài toán khó.
0:00 / 0:00
0:00
Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại các doanh nghiệp đầu chuỗi như: Thaco, VinFast… có vai trò quan trọng thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô phát triển. Nguồn: HYUNDAI THÀNH CÔNG.
Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại các doanh nghiệp đầu chuỗi như: Thaco, VinFast… có vai trò quan trọng thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô phát triển. Nguồn: HYUNDAI THÀNH CÔNG.

Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, thiếu tập trung

Số liệu thống kê mới đây của Bộ Công thương cho thấy, ngành công nghiệp ô-tô đang nhập khẩu tới 80% linh kiện sản xuất. Với thực tế giai đoạn “ô-tô hoá” đang tăng nhanh trên diện rộng và dự báo xu hướng tăng vẫn tiếp diễn trong thời gian tới, sẽ là động lực góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô hoạt động mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ngành ô-tô không phải là điều đơn giản khi Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã thẳng thắn chỉ ra một thực tế, cả nước hiện chỉ có 377 doanh nghiệp ô-tô, trong đó có 169 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng số sản phẩm của các doanh nghiệp này là 1.221, trong đó phần lớn là sản phẩm có hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô-tô. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô tại Việt Nam cũng mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp…

Điều đáng nói, theo đại diện Cục Công nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam mới sản xuất, gia công được chưa đến 300 chi tiết, trong khi cả chiếc xe ô-tô có khoảng 30.000 chi tiết, linh kiện. Và hàm lượng công nghệ, giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này chưa cao, vẫn chỉ là những linh kiện đơn giản, thâm dụng nhân công như: ghế, vành bánh xe, ốp cửa... Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là các loại chíp bán dẫn, đều phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Trung bình một chiếc ô-tô có hàng trăm bộ phận bán dẫn, với khoảng 1.400 loại chip khác nhau, song chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chíp bán dẫn.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Công nghiệp Phạm Tuấn Anh nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô trong nước chưa phát triển như kỳ vọng như cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, dàn trải và thiếu tập trung; hạn chế về nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô, công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô trong nước phát triển thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô-tô cho các hãng xe có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Là một nền kinh tế đang chuyển đổi, việc Việt Nam phải điều chỉnh, thay đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp là cần thiết.

Dư địa thì có, vẫn khó thúc đẩy phát triển bền vững

Thực tế, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi cả về quy mô dân số, tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Do đó, quy mô, sản phẩm và thị trường tiêu thụ ô-tô trong nước qua đó cũng đã thay đổi so trước đây. Với dự báo nhu cầu ô-tô của nước ta sẽ tăng mạnh từ khoảng 900.000 xe (năm 2025) lên khoảng 1,8 triệu xe (năm 2030), nếu không phát triển ngành sản xuất ô-tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% còn lại là sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%...

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp ô-tô thế giới đang thay đổi mạnh mẽ cả về công nghệ sản xuất, chủng loại và mẫu mã sản phẩm. Ở Việt Nam, dư địa phát triển thì có, nhưng lại khó thúc đẩy phát triển bền vững khi thiếu đi sự chủ động của các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước. Hơn thế, chưa có những cơ chế chính sách thật sự phù hợp, nguy cơ xe sản xuất trong nước bị giảm thị phần tại "sân nhà" là điều khó tránh khỏi.

Về phía doanh nghiệp, sự chủ động mới chỉ ghi nhận ở một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện nghiêm túc cam kết với Chính phủ Việt Nam về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa giá trị sản xuất ô-tô trong nước và các loại phụ tùng để thay thế phần giá trị nhập khẩu. Thí dụ như Công ty Toyota Việt Nam, doanh nghiệp này đã đẩy mạnh tìm kiếm, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng. Tính đến tháng 4/2024, Toyota Việt Nam đã liên kết với 60 nhà cung cấp phụ tùng, trong đó có 13 nhà cung cấp Việt Nam với sản phẩm nội địa hóa đạt hơn 1.000 sản phẩm các loại, góp phần nâng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất ô-tô lên tới 40%, trong đó, riêng dòng xe Vios đạt tỷ lệ nội địa hóa tới 43%.

Cũng nỗ lực thực hiện các cam kết về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, theo đại diện Công ty Honda Việt Nam, những năm qua, để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất, lắp ráp ô-tô, Honda Việt Nam cũng đã liên kết với 140 nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện, cơ khí trong nước.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, hiện vẫn còn nhiều khó khăn tác động đến ngành công nghiệp ô-tô trong nước, song thực tế cho thấy, bạn bè quốc tế đã ghi nhận tiềm năng của công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô tại Việt Nam. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngày càng sát hơn với doanh nghiệp. Đó là những lý do khiến một số hãng xe lớn trên thế giới gần đây có xu hướng chuyển dịch từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp ô-tô tại Việt Nam. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu chuỗi như: Thaco, VinFast, Hyundai… có vai trò quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô phát triển.

Để tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam cần duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước, tập trung phát triển một số dòng xe chiến lược. Đặc biệt, cần điều chỉnh chính sách về thuế, phí, lệ phí theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho tỷ lệ giá trị nội địa đối với ô-tô sản xuất trong nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng nội địa hóa, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô nói riêng và cả ngành công nghiệp ô-tô của Việt Nam nói chung.