Tăng lương, song hành kiểm soát tốt giá cả thị trường

Từ ngày 1/7 tới đây, chính sách cải cách tiền lương được thực thi, là niềm vui cho hàng triệu công chức, viên chức, người lao động. Song cùng với đó, cần các giải pháp chống tăng giá các mặt hàng thiết yếu, kiềm chế lạm phát, ổn định dân sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Giá thực phẩm tươi sống tăng khiến chi phí đi chợ của người lao động bị đội lên cao. Ảnh: DIÊN KHÁNH
Giá thực phẩm tươi sống tăng khiến chi phí đi chợ của người lao động bị đội lên cao. Ảnh: DIÊN KHÁNH

Giá cả “nhấp nhổm” tăng

Theo dự kiến của Bộ Nội vụ, cải cách tiền lương mang đến mức tăng bình quân của cán bộ, công chức, viên chức vào khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, dự kiến, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so hiện hành, hằng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.

Còn theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng, với mức tăng thêm 6% từ ngày 1/7 tới, mức điều chỉnh tăng vùng I sẽ là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.

Việc cải cách tiền lương nói trên nhằm bù đắp phần nào sự khó khăn trong cuộc sống của công chức, viên chức, người lao động. Song, theo nhìn nhận của PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội, những năm qua, đi đôi với lương tăng là giá cũng tăng, thậm chí là lương “chạy theo” giá, điều đó tạo áp lực lên đời sống công nhân, người lao động.

Khảo sát thị trường có thể thấy, tính đến những ngày cuối tháng 5, nhiều mặt hàng "nhấp nhổm" tăng giá. Chị Lê Thị Liên, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai-Hà Nội) chia sẻ: Những ngày này, ở chợ giá gạo đã tăng 3.000 - 5.000 đồng tùy loại, thịt lợn tăng khoảng 10.000 đồng/kg, các loại rau cũng nhúc nhích tăng lên.

Tại chợ Đại Từ, chợ Linh Đàm (quận Hoàng Mai), theo khảo sát của phóng viên, giá thịt bắp bò đang ở mức khoảng 250.000 - 260.000 đồng/kg, nhích thêm khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Gà đã làm sạch giá theo con là khoảng 135.000 đồng/con, nhích nhẹ 5.000 đồng. Tương tự, giá các mặt hàng này ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cũng đang tăng.

"Đây không phải là lần tăng lương bình thường, mà là cải cách tiền lương. Nếu không kiểm soát được sự nhảy múa về giá của nhiều mặt hàng, nhiều người mượn cớ “té nước theo mưa” thì sẽ tác động lớn đến những người thu nhập thấp”, chuyên gia kinh tế TS Đinh Trọng Thịnh quan ngại.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để khắc phục những bất cập về chế độ tiền lương hiện nay, cũng như bảo đảm giá trị thực của tiền lương mới khi cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường. Để nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương, cơ cấu tiền lương mới sẽ bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương cơ bản của năm, không bao gồm phụ cấp).

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, hiệu lực quản lý nhà nước về giá cả thị trường cần được quan tâm hơn nữa. Hiện nay nhà nước mới chỉ quản lý giá ở khoảng 20 mặt hàng quan trọng, trong khi ngoài thị trường có tới hàng trăm mặt hàng thiết yếu. Để hài hòa lợi ích của người lao động thì phải gắn kết sản xuất với phân phối thành một chuỗi cung ứng, giảm trung gian, bớt chi phí vận chuyển, nên xây dựng chuỗi cung ứng ngắn để ổn định về giá.

Phân tích cụ thể, ông Phú cho rằng: “Thực tế, có một sự vô lý vẫn đang tồn tại, thí dụ quả cam mua tại vườn giá chỉ 5.000 đồng/kg, mà đến tay người tiêu dùng, giá lên đến 25.000 đồng/kg. Hay ở nhiều quốc gia, người trồng mía lợi nhuận 70%, người kinh doanh 30%. Còn ở ta thì ngược lại! Về lâu dài, Việt Nam cần phải tiến tới việc luật hóa về phân phối lợi nhuận ”.

Sáng 20/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. Như vậy, so báo cáo của Chính phủ vào tháng 10/2023, con số này tăng 120.000 tỷ đồng. Công tác chuẩn bị đang được triển khai tích cực để chính sách tiền lương mới được thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Sáng 20/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. Như vậy, so báo cáo của Chính phủ vào tháng 10/2023, con số này tăng 120.000 tỷ đồng. Công tác chuẩn bị đang được triển khai tích cực để chính sách tiền lương mới được thực hiện từ ngày 1/7/2024.