Ðiều chỉnh khung giá trần là cần thiết!
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT về việc ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay trong nước. Theo khung giá mới, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều; đối với đường bay phát triển kinh tế-xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại có mức tăng giá từ 50.000-250.000 đồng/vé/chiều so quy định cũ, phụ thuộc độ dài từng đường bay. Thông tư số 34/2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2024.
Theo Bộ Giao thông vận tải, mức giá tối đa bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không. Việc tăng giá trần vé máy bay trong nước là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỷ giá đều tăng cao. Với biến động các yếu tố chi phí đầu vào, mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay trong nước được quy định tại Thông tư số 17/2019 đã không còn phù hợp, cần thiết phải điều chỉnh khung giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc nâng trần giá vé máy bay trong thời điểm hiện tại là cần thiết và phù hợp thực tiễn. Bởi, trần giá vé hiện tại đã áp dụng được bốn năm, trong khi nền kinh tế đã có nhiều biến động. Việc này sẽ giúp các hãng hàng không giảm bớt khó khăn, có biên độ điều hành giá vé rộng hơn…
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề, việc này giúp hãng hàng không có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hành khách tham gia giao thông bằng đường hàng không. Hơn nữa, việc tăng trần giá vé máy bay sẽ giúp hãng hàng không đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, nhất là trong giai đoạn cao điểm.
Thực tế, vào những mùa cao điểm, đặc biệt là cao điểm Tết, các hãng hàng không phải giải quyết bài toán chi phí các chuyến bay một chiều rất lớn, còn chiều ngược lại có nhu cầu rất thấp. Do vậy, mức giá vé sẽ cao hơn để bảo đảm hiệu quả chi phí, bù đắp chiều bay "rỗng", không đủ khách. Việc tăng trần giá vé máy bay còn tạo điều kiện cho người dân có thêm sự lựa chọn với nhiều sản phẩm đa dạng có chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của mình.
Còn đó những thắc thỏm, lo lắng…
Tuy nhiên, ở góc độ người tiêu dùng, khi tăng giá trần vé máy bay sẽ khiến chi phí đi lại tăng cao. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn để lại nhiều tác động tiêu cực, nền kinh tế đối mặt khó khăn, tỷ lệ người thất nghiệp tăng cao... thì việc chi phí đi lại tăng lên là gánh nặng tài chính đối với phần lớn người lao động. Thực tế, đối tượng bị tác động nhiều nhất là khách mua vé máy bay lẻ, khách cá nhân tự túc mua đi ngay hoặc mua dịp cao điểm. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán năm 2024 giá vé máy bay vẫn đang ở mức rất cao, con đường về quê của nhiều người lao động dường như đang dài hơn. Và con đường trở lại sau kỳ nghỉ cũng sẽ gian truân hơn…
Anh Nguyễn Đăng Khoa (quê Nam Định), một viên chức tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, anh đã có kế hoạch sau Tết âm lịch sẽ tranh thủ thời gian ra thăm gia đình ở quê, nhưng đành phải tính lại do chi phí đi lại thời điểm đó đội lên.
Dù đã lường trước và lên sẵn phương án ứng phó, song chị Nguyễn Lan Anh, chủ một doanh nghiệp du lịch tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) vẫn không khỏi thắc thỏm, lo lắng. Theo chị Lan Anh, hiện nay, giá dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường... tạo điều kiện xây dựng những tour du lịch, tuyến du lịch có giá hợp lý vào các thời điểm giá vé rẻ. Nếu khung giá mới được áp dụng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành khi khách hàng buộc phải cân nhắc vì chi phí vượt quá mức ngân sách dự trù. Đặc biệt, giá tour du lịch trong nước tăng cao cũng khiến khách hàng có xu hướng so sánh và lựa chọn tour du lịch nước ngoài…
Ở góc nhìn khác, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc nâng giá trần có thể lên đến 4 triệu đồng/vé/chiều hay cao hơn nữa không phải là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, nó sẽ tác động mạnh đến các hãng hàng không, khi lượng người bay sẽ giảm sút, từ đó kém mặn mà với loại hình vận tải này. Việc nâng giá trần phải đi đôi với an toàn bay, giờ bay, chất lượng dịch vụ bay mới là vấn đề quan trọng.
Mặt khác, theo ông Thịnh, việc tăng giá trần sẽ phá thế độc quyền của hàng không. Khi người tiêu dùng không đi nữa thì giá vé sẽ không thể tăng mà buộc phải hạ xuống. Đây là sự va đập giữa cung - cầu của thị trường. Từ đó, giá vé sẽ do người tiêu dùng quyết định, họ có quyền lựa chọn sử dụng hãng hàng không nào mà họ cảm thấy phù hợp, chất lượng dịch vụ tốt, tương xứng chi phí bỏ ra.