Tăng cường phát huy vai trò của thị trường nội địa

Việc "ông lớn" Thế giới di động có những động thái như "xóa bỏ" một số thương hiệu chuỗi bán lẻ, cắt giảm khoảng bảy nghìn nhân sự phần nào nói lên áp lực mà các nhà bán lẻ đang phải đối mặt. Sức mua kém cũng khiến cho doanh nghiệp sản xuất chật vật không kém. Đâu là giải pháp gia cố một trong số "trụ cột" quan trọng của nền kinh tế?
0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng của tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất trong nước.
Tăng trưởng của tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất trong nước.

Cầu tăng, nhưng vẫn còn yếu

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19.

Khó khăn chung của nền kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp, áp lực lớn nhất là chi phí đầu vào "leo thang" trong suốt hai năm qua. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,6% so cùng kỳ năm 2022. Giá cả cao, cùng những biến động về kinh tế, thu nhập đã ảnh hưởng lớn tới khả năng chi trả thực tế của nhiều người.

Trong bối cảnh còn nhiều yếu tố tác động đến thị trường, các nhà bán lẻ buộc phải cân nhắc, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để duy trì sức mua. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên cả nước đã tung hàng loạt phương thức kích cầu mua sắm mới. Ngay từ đầu tháng 3/2023, khách hàng có thẻ thành viên Co.opmart khi mua sắm tại hệ thống bán lẻ thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) sẽ được tham gia chương trình "Tích tem đổi quà". Hay Điện máy Xanh mở bán hình thức trực tuyến hàng loạt các sản phẩm gia dụng, có sản phẩm giảm đến 48%. Còn hệ thống siêu thị MM Mega Market duy trì hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu giảm giá 10-50%, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để ổn định giá cả hàng hóa, duy trì sức mua…

Theo chia sẻ của một số đại diện các nhà bán lẻ, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã và đang thay đổi rõ rệt như chú trọng hơn tới các mặt hàng thiết yếu, giảm giá, khuyến mãi và có sự so sánh giá để chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả hơn. Xu hướng giảm sút ở kênh bán hàng trực tiếp đã xuất hiện. Kết quả khảo sát ngành bán lẻ mà Công ty tư vấn quản trị McKinsey vừa công bố cũng cho biết, có đến 60% số người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát tìm cách tiết kiệm tối đa khi mua sắm.

Tạo cơ chế thông thoáng cho "giải pháp hay nhất"

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Yếu tố hấp dẫn về lâu dài của thị trường tiêu dùng nội địa gần 100 triệu dân vẫn luôn hiển hiện. Trong lúc các trụ cột tăng trưởng như: "xuất khẩu" gặp khó; "đầu tư" cần thời gian để lan tỏa, thì thúc đẩy trụ cột "tiêu dùng" chính là cách hay nhất, ít tốn kém nhất mà lại đạt hiệu quả cao nhất. Vị chuyên gia này khuyến nghị: Với thế mạnh là dân số trẻ, cũng như lượng người dùng điện thoại thông minh chiếm tỷ trọng lớn, lượng giao dịch ngày càng nhiều, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam hiện tăng trưởng khá nhanh. Thương mại điện tử không phải là công cụ để tăng tổng cầu lên, nhưng lại là công cụ để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, chủ động nắm bắt và đón đầu xu hướng công nghệ để thích ứng với những hành vi tiêu dùng mới của khách hàng.

Nhìn nhận ở góc độ chính sách, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đánh giá: Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% trong năm vừa qua đã góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động hơn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn nên việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT sẽ hỗ trợ thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Đáng chú ý, thuế VAT là sắc thuế gián thu đánh trên toàn bộ mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng. Vì vậy, việc giảm thuế này sẽ giúp kéo giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ… góp phần kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn làm tăng thêm doanh thu, lợi nhuận; đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ nộp thuế nhiều hơn, bù đắp cho nguồn thu ngân sách do giảm thuế VAT.

Nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển bền vững thị trường trong nước, giới chuyên gia cũng khuyến nghị: Các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp; tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã… trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam…

Theo đánh giá của Công ty tư vấn quản trị McKinsey, dự kiến đến năm 2030, nhờ vào việc tăng tỷ lệ đô thị hóa, nhất là ở các đô thị cấp hai, và gia tăng nhanh tầng lớp trung lưu, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 37 triệu người vào tầng lớp tiêu dùng, giúp tăng tầng lớp tiêu dùng lên gần 74% so mức 40% năm 2020 và chưa đầy 10% năm 2000.