Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, liên tục trong ba tháng trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng phi mã và lập đỉnh kỷ lục trong tháng 6. Tính riêng trong tháng 6 vừa qua, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt gần 6 triệu USD, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế 6 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt hơn 14 triệu USD (tăng 144% so với cùng kỳ). Như vậy, theo đánh giá từ VASEP, Hàn Quốc trở thành một trong 10 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều cá ngừ nhất từ Việt Nam.
Thông tin từ báo chí, đại diện VASEP cho rằng, thị trường Hàn Quốc đang là thị trường tiềm năng đối với các nhà cung cấp loại hình thực phẩm này. Thống kê từ Hải quan Việt Nam cho biết, trong 6 tháng vừa qua, có 15 doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu cá ngừ từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp (chủ yếu là cá ngừ vằn hấp đông lạnh).
Phân tích từ nhiều nguồn cho thấy, những biến động từ các khu vực trên thế giới như xung đột Nga - Ukraine; căng thẳng trên tuyến hàng hải đi qua khu vực Biển Đỏ… khiến cho hoạt động vận chuyển toàn cầu đang có xu hướng thay đổi. Giá cước vận tải tăng cao từ khu vực Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, châu Á sang châu Âu, từ Việt Nam sang Mỹ hay các nước EU cũng là điều mà các đơn vị đang kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu phải tính toán giải pháp. Khi ấy, những thị trường gần gũi trong khu vực đương nhiên sẽ được ưu tiên vì nó gần gũi và an toàn hơn. Tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu cá ngừ từ Việt Nam đi Hàn Quốc biết đâu sẽ trở thành lối mở cho những công ty logistics và những công ty chế biến thủy hải sản của nước ta.
Tuy nhiên, cũng theo VASEP, các doanh nghiệp trong nước đang kêu khó do nguồn cung cá ngừ vằn nguyên liệu trong nước sụt giảm. Lý do chính của việc này là quy định về kích cỡ tối thiểu của cá ngừ vằn cho phép khai thác hiện nay được quy định trong Nghị định 37 năm 2024 về Luật Thủy sản đang “bó chân” doanh nghiệp. Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Luật này có hiệu lực từ ngày 19/5/2024.
Cần nhớ rằng, chúng ta đã từng rất khó khăn khi tìm cách đưa các sản phẩm nông, ngư nghiệp vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ hoặc Australia bởi những yêu cầu khắt khe của những thị trường này đối với sản phẩm nông nghiệp, quá trình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Và đương nhiên, việc đáp ứng những nhu cầu ấy là một trong những điều kiện tiên quyết cho thành công đối với mỗi lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Bởi thế, việc chấp hành thay đổi từ Nghị định 37/2024/NĐ-CP cũng chính là con đường đúng đắn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới, thay vì chỉ biết kêu khó để chờ… hỗ trợ.