Sự lệch nhịp của mỹ thuật ứng dụng

Thu hút 538 tác phẩm của 283 tác giả thuộc 25 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự, nhưng, nếu nhìn vào tiêu chí đề cao tính ứng dụng và tính nghệ thuật trong các sản phẩm, thì Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2022 chưa được như kỳ vọng. Phần lớn các tác phẩm chú trọng yếu tố trưng bày hơn là khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả Lê Duy Đức bên tác phẩm Cổ tự môn, đạt giải nhì ở lĩnh vực Sản phẩm ứng dụng.
Tác giả Lê Duy Đức bên tác phẩm Cổ tự môn, đạt giải nhì ở lĩnh vực Sản phẩm ứng dụng.

Thiết kế đồ họa lên ngôi

Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2022 gồm hai phần: Thiết kế sáng tạo và Sản phẩm ứng dụng. Ở mảng Thiết kế sáng tạo, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các tác giả đã bắt nhịp tốt hơn với nhu cầu của xã hội, hòa nhập vào đời sống, đưa thiết kế của mình đi vào chiều sâu của sự sáng tạo, phù hợp từng phân khúc người tiêu dùng. Chẳng hạn, nhiều logo, poster, clip nhỏ mang tính giáo dục đã nhận được đánh giá cao của Hội đồng nghệ thuật và đạt giải. Ở mảng thi này, Hội đồng nghệ thuật đã tìm được tác phẩm xứng đáng để trao giải nhất.

Còn trong mảng Sản phẩm ứng dụng, phần lớn các tác phẩm mới dừng lại ở mức độ thể hiện sự khéo tay của nghệ nhân, tác giả, thay vì hướng đến việc sáng tạo những sản phẩm theo mô hình công nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, thậm chí có thể xuất khẩu. Thí dụ, tác phẩm đạt giải nhì, tiêu đề Cổ tự môn của tác giả Lê Duy Đức, là mẫu tạo dáng cây cảnh từ những sợi dây đồng, hướng đến tính độc bản, sự tỉ mỉ, khéo léo của nghệ nhân, chứ chưa hẳn đã là một sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chí phổ cập hàng hóa của mỹ thuật ứng dụng. Cổ tự môn được thực hiện trong bốn tháng, đề giá bán là 110 triệu đồng. Tương tự, giải ba trong mảng này là chiếc rương chạm bạc, có tên gọi Kim long lưu, của tác giả Quách Phan Tuấn Anh cũng mang tính độc bản. Bởi để hoàn thành tác phẩm này, tác giả đã thực hiện trong gần nửa năm, với kỹ thuật đậu bạc để tạo ra hoa văn, tức là kéo bạc đã nung chảy và se thành sợi mảnh như sợi tóc để kết họa tiết. Tác giả phải căn chỉnh tỉ mỉ để khớp hàng nghìn chi tiết với nhau. Dù kỳ công là thế nhưng bản thân tác giả cũng hiểu tại sao tác phẩm chỉ dừng lại ở giải ba: vì không thể ứng dụng rộng rãi theo tiêu chí cuộc thi. "Sản phẩm của tôi cầu kỳ, áp dụng nhiều kỹ thuật để thể hiện được sự tinh xảo trong nghề thủ công"-anh Tuấn Anh khẳng định.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn thẳng thắn nhận xét: Cuộc thi và triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ năm này có nhiều nghệ nhân giỏi, sản phẩm đẹp, tinh tế. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm vẫn mang tính chất để trưng bày hơn là ứng dụng trong đời sống.

Thay đổi mô hình

Theo ông Vũ Hy Thiều, chuyên gia về thủ công mỹ nghệ, thành viên Hội đồng nghệ thuật, tính ứng dụng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ lần này chưa cao. Tác giả của chúng dường như vẫn chưa phân tách rõ ràng giữa tính mỹ thuật và tính ứng dụng, chưa quan tâm tới tính hiệu quả của sản phẩm trong đời sống. Đây là điểm yếu đã tồn tại từ các kỳ tổ chức triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc trước đó và đến lần này, vẫn chưa được khắc phục. Ngay cả các sản phẩm thuần túy để trưng bày cũng chưa hoàn thiện vì thiếu đi phần đế đặt để sản phẩm.

Đặc biệt, Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2022 đã bỏ trắng mảng mỹ thuật công nghiệp với các sản phẩm tiêu dùng thường xuyên, đại trà như bát đĩa, ấm chén, bàn ghế, đồ gia dụng hiện đại, nội thất thông minh, phương tiện giao thông… Trong khi, đây mới thật sự là mảng được quan tâm nhiều nhất do tính ứng dụng cao trong đời sống. Mục tiêu của mỹ thuật ứng dụng là sản phẩm được phổ biến trong đời sống hằng ngày của người dân. Theo ông Vũ Hy Thiều, đây có thể là sơ suất của Ban tổ chức khi thiếu đi một mảng dự thi để hướng dẫn và khuyến khích các tác giả tìm tòi, sáng tạo.

Trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Lê Huy Văn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp (Hà Nội) đã đưa ra nhiều góp ý để các cuộc triển lãm mỹ thuật ứng dụng có chất lượng và hiệu quả xã hội tốt hơn. Theo ông, đơn vị tổ chức cuộc thi nên thiết lập mô hình hội đồng giám tuyển. Các thành viên hội đồng là chuyên gia trong nghề, biết rất rõ các nghệ nhân, tác giả trẻ tiềm năng ở nhiều địa phương trên mọi miền đất nước và mời họ tham gia. Cách làm lâu nay là phát động cuộc thi, phát giấy mời cần được thay đổi. "Chỉ có cách mời gọi tác giả tham dự cuộc thi mới hy vọng thay đổi được thực trạng hiện nay", ông Lê Huy Văn nhấn mạnh.

Hội đồng nghệ thuật đã chọn ra 201 tác phẩm/bộ tác phẩm, trong

đó có 22 tác phẩm/bộ tác phẩm được trao giải, để trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội), từ ngày 13 đến 27/9.