“Sống khỏe” với rối cổ

Thôn Bàn Thạch (làng Rạch), xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định nổi tiếng với nghề rối nước, nay đang “chuyển mình” để phù hợp với thời đại.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Phan Văn Mạnh giới thiệu về các con rối.
Nghệ nhân Phan Văn Mạnh giới thiệu về các con rối.

Độc đáo rối Bàn Thạch

Là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước miền bắc, hằng năm vào dịp rằm tháng Giêng, làng Rạch lại tổ chức lễ hội và trình diễn múa rối. Từ nhỏ, những người con của Bàn Thạch đã quen với cái đục, những thanh gỗ và những tích trò. Hiện nay, số người theo nghề dù ít đi nhưng rối nước vẫn không bị mai một. Trong số đó, ông Phan Văn Mạnh với truyền thống bảy đời múa rối nước đã thành lập Đoàn rối nước Sông Quê. Ông Mạnh kể: “Ông và bố của tôi từng được mời sang biểu diễn rối nước ở Trung Quốc, Pháp, Ý, Ba Lan… trong các chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam”.

Phường rối làng Rạch đang lưu giữ khoảng 1.000 con trò từ xưa truyền lại, với hơn 40 tích trò cổ khác nhau. Người thợ tại đây có thể tự làm tất cả các công đoạn từ chọn gỗ, làm con rối đến biểu diễn. Theo nghệ nhân Phan Văn Triển, chủ một xưởng sản xuất và biểu diễn rối nước của làng, làng rối Bàn Thạch có nét riêng là những người thợ làm rối ở đây đều biết biểu diễn. Vì tự tay làm nên con rối nên họ hiểu rất rõ về những sản phẩm mình tạo ra. Có thể nói, mỗi người thợ làng Rạch đều là một diễn viên thực thụ. Anh Triển nói: “Múa rối nước không chỉ mang giá trị vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần to lớn. Các tích trò rất gần gũi và phản ánh sâu sắc đời sống của người dân lao động. Đó cũng chính là lý do khiến mình quyết tâm sống với nghề truyền thống”.

Tạo nên một con rối không hề đơn giản, bao gồm các công đoạn như: thiết kế mẫu trên giấy, đục gỗ, định hình con rối, vẽ họa tiết… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ. Anh Phan Văn Chăm, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề tâm sự: “Thiết kế mẫu và tạo hình là hai bước khó và quan trọng nhất. Thông thường, để tạo ra một con rối hoàn chỉnh, phải có ít nhất 10 năm trong nghề. Đối với những con rối đẹp, đòi hỏi kỹ thuật cao thì đều phải nhờ đến những người thợ có trên 15 năm tuổi nghề”.

“Sống khỏe” với rối cổ ảnh 1

Anh Phan Văn Chăm tỉ mỉ tạo hình con rối.

Mong thêm nhiều mô hình hay

Trước sự phát triển của thời đại, nghề rối nước làng Rạch cũng có nhiều thay đổi, cải tiến để “sống vững”. Từng có giai đoạn mai một, nhưng rồi những người con làng Rạch đã “thổi bùng” lên tình yêu với nghề và đưa rối nước “vượt qua lũy tre làng”. Nếu như trước đây nội dung của các trò rối (người thợ ở đây còn gọi là “bài rối”) xoay quanh đời sống sinh hoạt hay những câu chuyện cổ tích thì hiện nay đã được phát triển đa dạng hơn. Để dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn với thiếu nhi, các nghệ nhân xây dựng tiết mục theo truyện cổ tích như: “Chú vịt xám”, “Cô bé quàng khăn đỏ”… hay các bài diễn vui nhộn như cá vẫy đuôi, mèo trèo cây cau… “Sáng tạo và gắn liền với hơi thở cuộc sống đương đại nhưng vẫn không làm mất đi cái hồn và nét riêng của rối nước xứ Rạch”, anh Phan Văn Triển chia sẻ.

Mầu sắc và hình dáng của các con rối cũng có sự cải biến. Cùng với đó, các nghệ nhân cũng đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại trong việc chế tác và tạo hình để sản phẩm đạt giá trị cao. Cùng với đó, không kém phần quan trọng chính là âm thanh, tiếng động. Hầu hết các bài hát, câu hò, vè được sử dụng trong các tiết mục rối nước đều lấy chất liệu dân ca và không khí lễ hội.

Hiện nay làng Rạch đang có 5-7 hộ mở xưởng sản xuất và trực tiếp biểu diễn rối nước ở khắp mọi miền, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho một số người dân. Sản phẩm của làng được cung cấp đi các tỉnh theo đơn đặt hàng với đủ các mẫu mã, kích thước tùy theo yêu cầu của khách hàng. Thôn đã thành lập Đoàn múa rối nước Nam Chấn với 20 thành viên, hầu hết đều là người trẻ. Anh Phan Văn Triển, cũng là Phó trưởng đoàn, cho biết: “Mỗi người một công việc khác nhau, song tất cả đều rất yêu nghề cổ mà ông cha để lại. Có lời mời biểu diễn là chúng tôi sẽ tập hợp lại để đi diễn”.

Làng Rạch cũng đang phát triển nghề rối nước theo hướng du lịch làng nghề. Các chủ xưởng sản xuất, nghệ nhân và các trưởng đoàn liên kết với các công ty du lịch để đón khách về tham quan. Đó là các đoàn khách nước ngoài muốn tìm hiểu tận gốc nghề múa rối nước Việt Nam. Lượng khách mỗi tháng tương đối ổn định và thường tập trung đông nhất vào hai dịp đầu và cuối năm. Khi tham gia du lịch trải nghiệm tại làng, du khách sẽ được trực tiếp làm các công đoạn để tạo ra con rối, xem các màn biểu diễn rối nước và thưởng thức các đặc sản của địa phương. Bên cạnh hoạt động trải nghiệm, các xưởng cũng kết hợp bán thêm quà lưu niệm cho du khách, giúp nâng cao kinh tế cho làng nghề.

Để có những bước phát triển bền vững hơn, nghề rối nước làng Rạch vẫn cần có sự hỗ trợ từ phía địa phương và có những kế hoạch bài bản, lâu dài hơn từ các nghệ nhân trong làng. Đó cũng là điều mà các nghệ nhân trăn trở. “Mong rằng, các sở, ban, ngành liên quan sẽ tiếp tục quan tâm và tạo cơ hội để môn nghệ thuật múa rối nước đến gần hơn với khán giả, kết hợp với tour du lịch cho các bạn trẻ trải nghiệm vào các ngày cuối tuần hoặc biểu diễn tại các trường học”, anh Triển mong ước.