Sớm tháo gỡ thủ tục xin chuyển tuyến

Theo quy định hiện nay, bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh muốn chuyển lên tuyến trung ương khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, phải xin giấy chuyển viện. Điều này khiến nhiều người dân gặp không ít phiền toái, ảnh hưởng đến cơ hội cứu chữa bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Đông đúc người dân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh. Ảnh Quỳnh Trần
Đông đúc người dân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh. Ảnh Quỳnh Trần

Nhiều xử lý không có trong quy định

Mới đây, tại hội nghị do Bộ Y tế tổ chức, đại diện Bệnh viện Trung ương Huế kể về trường hợp có bệnh nhân ở tuyến dưới được chẩn đoán mắc polyp dạ dày, xin chuyển lên tuyến trên để cắt polyp. Tuy nhiên khi thực hiện thủ thuật xong, bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Lúc này, Bảo hiểm xã hội lại yêu cầu hướng dẫn bệnh nhân trở về nơi khám, chữa bệnh ban đầu xin giấy chuyển viện điều trị ung thư dạ dày để được hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến. Điều này gây phiền toái rất lớn cho cả người bệnh và bệnh viện. Thậm chí, khi người bệnh về lại cơ sở y tế tuyến dưới, tuyến dưới giữ lại làm các xét nghiệm, nằm viện một vài ngày rồi mới chuyển lên tuyến trên gây mất thời gian và tốn kém thêm các chi phí xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân không cần thiết.

Theo ông Trần Văn Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, việc quy định về chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã nêu rất rõ trong Thông tư số 14/2014/TT-BYT. Với câu chuyện mà Bệnh viện Trung ương Huế nêu thì cách xử lý khá máy móc và không có trong quy định. "Các bệnh viện cần nắm rõ quy định về chuyển tuyến hưởng bảo hiểm y tế để thực hiện. Đồng thời, khi có vướng mắc cần thông tin với Bảo hiểm xã hội để được hướng dẫn, triển khai đúng quy định", ông Khoa nói.

Còn theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), Thông tư số 40/2015/TT-BYT đã nêu rõ 62 loại bệnh, nhóm bệnh và trường hợp sử dụng giấy chuyển tuyến trong vòng 12 tháng. Người dân khi mắc các bệnh lý này có thể sử dụng giấy chuyển tuyến có thời hạn dài để khám, chữa bệnh mà không cần phải xin giấy chuyển tuyến mỗi lần khám, chữa bệnh. Bên cạnh, khám, chữa bệnh thông tuyến cũng đã từng bước được triển khai như trước năm 2014, người bệnh chuyển tuyến phải thực hiện theo tuần tự từ dưới lên trên. Đến năm 2016, các bệnh viện tuyến huyện đã được thông tuyến và năm 2021 thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc. Có nghĩa là người có thẻ bảo hiểm y tế điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước được hưởng quyền lợi như đúng tuyến.

Dù vậy theo phản ánh để có được tấm giấy "thông hành" này không ít người bệnh phải nhọc nhằn với cơ chế xin-cho và nạn "bôi trơn"… Đây là lý do, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương kiến nghị, sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế. Ông đề nghị, đẩy mạnh tiến trình thông tuyến (hiện đã thông tuyến huyện và tỉnh), thực chất hơn nữa. Đặc biệt, trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế sắp tới, cần cho phép người có bảo hiểm y tế muốn khám, chữa bệnh ở đâu cũng được cho phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc...

Cần liên thông dữ liệu tốt hơn

Giấy chuyển tuyến chính là công cụ giá trị để giữ vững hệ thống y tế và phân tuyến kỹ thuật, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra khuyến nghị này. PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nêu quan điểm, trong giai đoạn hiện nay, nếu bỏ giấy chuyển viện sẽ khó kiểm soát. Tuyến trung ương vốn đã quá tải nếu không cần giấy chuyển tuyến, bệnh nhân sẽ có tâm lý dồn lên tuyến trên càng gây áp lực cho hệ thống. Vì vậy, PGS Cơ cho rằng, việc dùng giấy chuyển viện vẫn cần duy trì. Hiện nay, các tình huống không cần dùng giấy chuyển viện như bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông, các bệnh nhân vào viện trong tình trạng cấp cứu đều được hưởng chế độ bảo hiểm y tế cấp cứu theo quy định.

Vị lãnh đạo này đề xuất, về biện pháp lâu dài để giảm chuyển viện cần được thực hiện bao gồm: Các bệnh viện tuyến trên cần đẩy mạnh công tác đào tạo chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến cơ sở. Cần quy định các tình huống đặc biệt, các cơ quan chức năng có thể xem xét các trường hợp bệnh nhân có bệnh lý phức tạp cần phải nhập viện tuyến trên. Khi người dân đã đi khám ở tuyến trên phát hiện ra, có chỉ định can thiệp, điều trị chuyên sâu thì có quy định riêng, người dân không cần quay lại tuyến dưới làm thủ tục chuyển tuyến.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương kiến nghị đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh, bao gồm cả việc chuyển đổi số giấy chuyển viện. Chuyển đổi số các thông tin về người bệnh, kết quả cận lâm sàng, quá trình điều trị, tiền sử đầy đủ chuyển qua hệ thống công nghệ thông tin. Như vậy, người bệnh không cần làm lại các xét nghiệm, kỹ thuật cận lâm sàng giúp giảm chi phí, bác sĩ tuyến trên không mất nhiều thời gian nhập dữ liệu.

Một giải pháp khác được bác sĩ, TS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu, đó là luân chuyển thầy thuốc tuyến trên về tuyến dưới, thí dụ tuyến trung ương luân chuyển về tỉnh, tuyến tỉnh về huyện, huyện về xã, và tuyến dưới luân chuyển ngược lên trên để đào tạo. Điều này tạo thành một vòng xoay, giúp nơi nào cũng có nhân lực y tế đủ trình độ. Và gốc rễ của vấn đề chính là nâng chất lượng y tế cơ sở, về lâu dài các bác sĩ tuyến dưới phải nâng cao trình độ chuyên môn nhằm tạo lòng tin cho người dân.