"Sợi chỉ đỏ" nối mạch quốc gia

Hệ thống hạ tầng giao thông luôn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, là chỉ số quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng cho hệ thống hạ tầng chiến lược này.
Đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (thuộc tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông) đưa vào sử dụng đã mở ra không gian phát triển mới về khu công nghiệp và thu hút FDI tại Bắc Giang. Ảnh: Thu Thủy
Đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (thuộc tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông) đưa vào sử dụng đã mở ra không gian phát triển mới về khu công nghiệp và thu hút FDI tại Bắc Giang. Ảnh: Thu Thủy

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), trong đó xác định một trong ba đột phá chiến lược là "Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị" với mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông…".

Kiến tạo hạ tầng chiến lược

Nhiệm vụ quan trọng mang tính đột phá chiến lược nói trên được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung triển khai, rồi được kích hoạt với loạt công trình đường bộ cao tốc, như: trục dọc bắc-nam, trục ngang đông-tây, các trục vành đai được mở rộng, đầu tư mới. Đến thời điểm này, cơ bản hình hài và sự kết nối theo các trục cao tốc dọc-ngang đang dần hoàn thiện, hướng tới một hệ thống đường bộ tốc độ cao hiện đại, liên hoàn, có năng lực thông hành lớn.

Theo Bộ Giao thông vận tải, riêng trong hơn hai năm qua, cả nước đã hoàn thành xây dựng khoảng 850 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đã đưa vào sử dụng lên khoảng 1.920 km.

Đặc biệt, tuyến đường cao tốc bắc-nam phía đông (tổng chiều dài 2.063 km) được xác định là "sợi chỉ đỏ" vững bền, là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới. Tại thời điểm trình và bảo vệ đề án kết nối giao thông quan trọng này (năm 2021) trước Quốc hội, với vai trò Bộ trưởng Giao thông vận tải, đồng chí Nguyễn Văn Thể ( nay là Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương), làm rõ: Mục tiêu đầu tư và đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông là kết nối xuyên suốt các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã thông qua. Đây là sự thống nhất, kết nối, chia sẻ, hội tụ, lan tỏa kinh tế-xã hội cấp quốc gia, là động lực thúc đẩy các địa phương cất cánh, là nền tảng đưa Việt Nam sớm thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong thời kỳ mới.

Nhờ sự quyết liệt và sâu sát trong chỉ đạo của Chính phủ, từ đó đến nay, một số đoạn thuộc giai đoạn 1 dự án trọng điểm này đã sắp hoàn thành, và từng bước đưa vào sử dụng.

"Sợi chỉ đỏ" nối mạch quốc gia ảnh 1
Sơ đồ toàn tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông.

Rộng mở không gian phát triển mới

Ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh nhu cầu về một mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ của quốc gia, đẩy nhanh việc hiện đại hóa và đồng bộ cơ sở hạ tầng. Việc lựa chọn đột phá về hạ tầng, đặc biệt ở lĩnh vực giao thông, là yếu tố quyết định sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài, kiến tạo một tương lai bền vững cho người dân Việt Nam. Đây chính là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán mà toàn Đảng, toàn dân đã và đang nỗ lực thực hiện trong suốt những năm qua.

Thực tế chứng minh, các tỉnh, thành phố có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Cụ thể, các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao hơn so cả nước. Giai đoạn 2011-2019, GRDP của Hải Phòng tăng 12,89%, Quảng Ninh 9,91%... trong khi tốc độ tăng GDP cả nước đạt khoảng 6,3%.

Sự phát triển mạnh mẽ hệ thống hạ tầng chiến lược hiện nay được dự báo sẽ mở rộng không gian, mang tới luồng sinh khí mới cho việc phát triển khu công nghiệp, nhằm thực hiện mục tiêu: Đến năm 2030, diện tích khu công nghiệp đạt khoảng 210.930 ha, với tổng vốn đầu tư hạ tầng và lấp đầy các khu công nghiệp khoảng 670-720 tỷ USD. Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kể từ năm 1991 đến nay, cả nước đã có 418 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 127.000 ha. Các khu công nghiệp trở thành trọng điểm thu hút đầu tư, ước tính tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt khoảng 231 tỷ USD.

Tại Lễ phát động đợt cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường cao tốc" diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng: "Với thế và lực đã tích lũy được sau gần 40 năm Đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và những thuận lợi mới, cơ hội mới, tôi tin rằng, bằng sự quyết tâm, đồng lòng, Việt Nam sẽ đạt và vượt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác ít nhất 3.000 km đường cao tốc. Việc hoàn thành các công trình đường cao tốc là nhiệm vụ chính trị hàng đầu giai đoạn từ nay đến Đại hội XIV của Đảng".

Theo một kết quả nghiên cứu của Công ty PwC, Việt Nam đã và đang "mạnh tay" chi khoảng 5,7% GDP hằng năm đầu tư cho hạ tầng giao thông, và hiện là quốc gia dẫn đầu châu Á về lĩnh vực này.