Bò đẻ ra tiền
Ðổi thay lớn nhất ở Sín Thầu chắc chắn là con đường huyết mạch từ thị trấn Mường Nhé vào trung tâm xã, dẫn đến tận bản mới thành lập - Tá Miếu, chừng 65 cây số. Không ai có thể hình dung nổi trước đây những "tay lái lụa" quen đi phượt cũng phải đánh vật cả ngày trời, vượt hàng chục con suối, hàng trăm con dốc mới có thể đến được A Pa Chải để trải nghiệm thêm cảm giác băng rừng lội suối trong rừng rậm nhiệt đới. Năm năm nay, cung đường đã được trải nhựa phẳng lì uốn lượn theo các sườn đồi, sườn núi giúp việc thông thương, giao lưu thuận tiện và đời sống bà con người dân tộc Hà Nhì dần dần bớt nhọc nhằn.
Ông Chang Vãng Sinh, bản Tá Miếu tự hào nói: "Giờ nhiều người giàu rồi. Sín Thầu khác xa trước lắm đó". Khi tôi còn chưa kịp hiểu chuyện thì ông Sinh lý giải rằng, tất cả là nhờ những trang trại chăn nuôi trâu bò tập trung. Có đường, đàn trâu bò có thể xuất sang Trung Quốc hoặc đưa về Ðiện Biên để bán chứ không chỉ dùng làm vật ngang giá như trước. Tại sao vậy? Ðể khách rõ hơn, ông Sinh cho hay: "Xưa ai nuôi được thì để kéo cày, để ngắm. Có giết thịt thì đem chia cho dân bản, hoặc đổi lấy thóc, lấy lưỡi cày chứ chưa biết biến trâu bò thành ti-vi, xe máy như bây giờ đâu. Cũng có hộ à, muốn dựng nhà thì dắt trâu đi đổi nguyên vật liệu để làm, chứ có biết biến nó thành tiền cầm cho nhẹ đâu. Trâu bò giờ bán được giá lắm à!".
Ông Sinh là người mù chữ nhưng cái đầu lại luôn nghĩ chuyện đổi mới và hăng hái trong phát triển kinh tế. Năm 1998 ông là người đã nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình 135 giao cho 10 con bò giống để nuôi. Nhưng không chỉ thế, nhiều hộ lúc đó còn lưỡng lự không dám nhận thì ông Sinh đã vay thêm tiền, mua thêm 12 con... nuôi luôn thể. Không ít hộ lắc đầu bảo ông "chơi ngông". Tôi hỏi: "Ðiều gì đã khiến ông có ý nghĩ táo bạo ấy? Và lúc đó ông có sợ thất bại vì chưa nắm được kỹ thuật chăn thả?". Ông Sinh cười: "Tôi thấy đất mình bãi cỏ rộng, thích hợp với chăn nuôi mà cứ chấp nhận vất vả và nghèo mãi là sao. Phải làm gì đó thôi. Tôi cũng lo bệnh tật, nhưng có ông Xinh giúp đỡ, có bộ đội biên phòng động viên nữa nên cái sợ nó lui đi".
Ông Xinh mà Vãng Sinh nhắc đến là ông Pờ Dần Xinh, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, nay kiêm Bí thư đảng ủy xã. Khi ấy, là người học nhiều nhất xã, có kinh nghiệm nên ông Xinh rất tự tin về ý tưởng nhân rộng đàn bò của mình nên đã trao đổi kinh nghiệm với Vãng Sinh. Chẳng bao lâu, ông Sừng Sừng Khai cũng nhập cuộc, dốc toàn bộ tiền đầu tư mua trâu bò giống, cùng động viên bà con bỏ cách làm ăn nhỏ lẻ, thả rông để làm mô hình chăn nuôi tập trung.
Các ông không chỉ dựng lán tập trung ở bãi cỏ gần nhà, mà còn tổ chức chăn thả trong rừng sâu (những khu vực được phép). Ðặc biệt, hàng tháng trời ông Chang Vãng Sinh để vợ là người tiếp tế, còn mình lăn lộn huấn luyện, tập cho trâu bò thói quen từ đi lại, phóng uế ở một vị trí hợp lý để khỏi gây ô nhiễm đến thời gian quay về lán ăn muối (hàng tháng trâu bò nuôi trong rừng phải được ăn muối trắng, bảo đảm sự tăng trưởng). Cứ thế, đàn trâu bò của ông từ vài chục con, có thời điểm đã lên đến 200 con. Gia đình ông Khai, Bí thư xã Pờ Dần Xinh cũng có đàn trâu bò đông đúc. Bà con liền noi gương vay vốn, học hỏi phương pháp, phát triển đàn trâu bò của gia đình. "Từ năm 2006 trở đi, rất nhiều hộ đã có trâu bò đổi được thành tiền, cất trong tủ. Hễ cần đến thì cầm đi chứ không phải kéo theo cả cái con to lù lù", ông Sùng Pí Tài, người dân bản A Pa Chải cho hay.
![]() |
Đêm giao lưu văn nghệ mừng Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì. Ảnh: MẠNH TÌNH
Bụng phải no cái chữ
Người nông dân Sín Thầu mộc mạc đã bớt nhọc nhằn bởi họ đã tiếp cận được kỹ thuật lao động sản xuất. 25 hộ dân làm kinh tế giỏi, được coi là tỷ phú ở vùng ngã ba biên giới, tiêu biểu như các ông Sư Tư Hừ với 110 con; ông Sùng Pì Xinh với 170 con, cả hai ông đều ở bản Tả Kố Khừ; ông Sùng Khang (bản A Pa Chải) với gần 80 con; ông Chang Vãng Sinh (bản Tá Miếu) với 112 con... Thu nhập của mỗi hộ trên 100 triệu đồng/năm. Nhưng có đồng tiền, bà con cũng không cất cho kỹ, mà nghĩ đến việc học theo cán bộ Pờ Dần Xinh, đầu tư cho con cái học hành. Ðó là cách nghĩ rất tiến bộ, đã góp phần rất quan trọng vào sự thay đổi và phát triển bền vững ở Sín Thầu. Ông Chang Vãng Sinh hiện có con trai đang học ở Học viện Biên phòng tự hào bảo rằng, bố mẹ không biết chữ, chỉ biết đếm con bò, thì con cái phải giỏi tính toán, phải hiểu nhiều. Trâu, bò nuôi lớn là để phục vụ cho con cái đi học. Ðặc biệt, bà con nơi đây suy nghĩ và làm việc rất thực tế, đúng như lời Vãng Sinh nói: "Bán bao nhiêu bò để có chữ cũng được cả, bọn trẻ ấm cái bụng chúng nó. Tôi không lo đâu. Con gái tôi đi học về làm cán bộ, tôi cũng cho bò làm vốn. Nó lấy chồng sinh con, tôi cho nửa con, lần sau sinh đứa thứ hai thì cho nó cả con luôn!".
Nói về chuyện học hành thì dòng họ Pờ đi đầu ở Sín Thầu. Xa xưa, cụ Pờ Pó Chừ sinh được bẩy người con trai đều cố gắng cho đi học. Cậu con trai thứ sáu Pờ Dần Xinh là được học cao nhất, hết cấp III. Năm 1983, Pờ Dần Xinh trở về quê làm cán bộ. Ban đầu làm Bí thư đoàn thanh niên, cán bộ Lao động-Thương binh-Xã hội. Năm 1989, ông được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng công an. Rồi ông trở thành chủ tịch UBND kiêm Bí thư đảng ủy xã Sín Thầu. "Khi trước, dòng họ nhà tôi cho con cái đi học, nhiều bà con còn chê là dòng họ không biết làm nương, bắt cá dưới suối, chỉ biết mỗi đi học. Sau đó bà con hiểu ra bụng phải no cái chữ thì sản xuất mới hiệu quả, mới đổi thay được nhiều, đã quyết cho con cái đi học", Bí thư đảng ủy xã Sín Thầu Pờ Dần Xinh nhớ lại.
Thay đổi nhận thức từ chính người dân là cực kỳ quan trọng, cũng phải nói thêm nhờ sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, các điểm trường được xây dựng và luôn nhộn nhịp học sinh. Ðặc biệt, việc thành lập bản Tá Miếu, Pờ Nhù Khồ và xây dựng nhà mẫu giáo ngay tại trung tâm của bản đã tạo điều kiện cho con em đồng bào Hà Nhì được học hành từ lúc mới vài tuổi. Sự kết hợp của chính quyền địa phương, đồn biên phòng 317 A Pa Chải và các giáo viên cắm bản vừa gắn bó khăng khít, vừa giúp cho tình hình an ninh vùng núi có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trên tuyến biên giới Tây Bắc Việt Nam được bảo đảm, không để phát sinh tình trạng thất học. Thầy Lò Văn Sáng, người đã dạy học ở Sín Thầu được 12 năm nay, cho biết tại điểm trường Tá Miếu số học sinh không nhiều nên phải gộp lớp bốn và lớp năm. Tuy vất vả nhưng phụ huynh rất quý mến thầy. Thầy vừa dạy trò, vừa cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền bảo vệ rừng, giữ gìn nếp sống văn minh.
Dòng điện thắp ước mơ
Trong câu chuyện bên bếp lửa đêm xuân, chúng tôi được nghe những câu chuyện về sự thay da đổi thịt của vùng đất từng rất nghèo đói mà cảm thấy vui lây. Ngược dòng thời gian, Sín Thầu từng nổi tiếng với "bốn không" (điện, đường, trường, trạm) nhưng lại có nhiều người nghiện, tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, di cư tự do cũng diễn ra thường xuyên. Thì nay, như nàng thiếu nữ vươn mình lớn bổng, Sín Thầu cũng có "bốn không", nhưng là không chặt phá rừng, không di cư tự do, không truyền đạo trái phép, không còn người nghiện, với rất nhiều "có" (điện, đường, trường, trạm, nếp sống văn hóa, chủ quyền, đời sống ấm no...).
Nhớ lại quãng thời gian cùng bà con vượt khó, thoát nghèo, Bí thư Ðảng ủy xã Pờ Dần Xinh trải lòng: "Chúng tôi từ xã đến hơn 80% hộ nghèo, nay chỉ còn hơn 30% và sẽ còn giảm nữa. Có quãng thời gian số người nghiện trong xã lên tới 100, rồi những người có trách nhiệm phải giúp dân cai nghiện. Với kết quả tốt, tới đây bà con chúng tôi sẽ tích cực hơn. Ðặc biệt, giữa năm 2014 có điện lưới về. Năm nay, ngày Thìn rơi vào ngày 11-12 dương lịch, người Hà Nhì ở đây ăn Tết cổ truyền trong ánh điện sáng, trong niềm vui mới. Thật không gì vui sướng bằng!".
Ước mơ của bà con Sín Thầu là đẩy số hộ nghèo xuống mức thấp nhất, hướng tới không còn hộ nghèo. Mùa xuân đến sớm, bà con cầu mong năm mới 2015 làm ăn thuận lợi, thời tiết ôn hòa, được mùa như năm 2014 trong niềm hân hoan điện lưới thắp sáng bản làng. Với những cố gắng của mỗi hộ gia đình, ước mơ ấy sẽ thành hiện thực, tươi xanh như khu rừng thiêng liêng có dòng sông Mo Phí chảy qua, được bảo vệ đặc biệt.