Nhìn từ một địa phương công nghiệp
Long An là một trong những tỉnh công nghiệp đang phát triển ở phía nam, nhưng hiện có khoảng 462 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, với tổng số tiền hơn 155 tỷ đồng. Phải kể đến Công ty TNHH High Appraise Việt Nam có vốn đầu tư 100% nước ngoài, 1.184 lao động tham gia sản xuất giày xuất khẩu. Hiện tại, công ty nợ lương, bảo hiểm xã hội và tiền tổ chức Công đoàn hơn 23,9 tỷ đồng. Nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, từ tháng 7/2022, đại diện Công đoàn các khu công nghiệp đã nộp 1.184 đơn khởi kiện (cùng giấy ủy quyền và toàn bộ hồ sơ, giấy tờ… của người lao động) đến Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc và được hẹn sẽ tham mưu lãnh đạo xem xét ra thông báo thụ lý vụ án.
Tuy nhiên sau hơn hai tháng chờ đợi, Thư ký Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc thông báo cho cán bộ Công đoàn khu công nghiệp là chưa thể thụ lý vụ án do tháng 9/2022 là thời điểm cuối năm, theo quy định ngành Tòa án phải tổng kết án, do đó 1.184 đơn khởi kiện của người lao động chưa thể thụ lý giải quyết. Vụ việc kéo dài đến nay, đang gây rất nhiều bức xúc cho người lao động. Hiện tại, 1.184 người lao động không chốt được sổ bảo hiểm xã hội và không được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết các quyền lợi bảo hiểm xã hội một lần, bảo hiểm thất nghiệp cùng nhiều chế độ khác.
Vấn đề này đã được Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được chỉ đạo tại Hội nghị liên cơ quan vào cuối năm 2022, là phải nhanh chóng vào cuộc, phối hợp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Tuy nhiên, đã qua nhiều tháng, sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Ở một đơn vị khác là Công ty Lavi Food tại huyện Bến Lức có 124 lao động. Hiện tại, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ ngày 28/10/2021 đến 31/10/2022, nợ lương công nhân từ tháng 9/2022 đến nay và nợ kinh phí công đoàn từ tháng 1/2014 đến nay. Tổng nguồn nợ của doanh nghiệp này khoảng chín tỷ đồng. Trong năm qua, người lao động ngừng việc ba lần để yêu cầu công ty trả lương tháng 9/2022. Điều đáng nói là doanh nghiệp đã thu tiền bảo hiểm xã hội 10,5% của người lao động nhưng không thực hiện trích đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội; thu hộ đoàn phí của đoàn viên công đoàn từ lúc thành lập công đoàn cơ sở đến nay (tháng 5/2020), nhưng chưa trích chuyển qua công đoàn cơ sở. Đại diện Phòng Nhân sự công ty cho biết, tháng 9/2022, công ty cho người lao động nghỉ hưởng lương ngừng việc hoặc đi làm một nửa, do nguồn tài chính hạn chế.
Đại diện Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Long An cho biết, hiện nay việc ủy quyền đòi nợ còn ít, bởi người lao động e ngại ảnh hưởng đến công ăn việc làm. Mặt khác, chưa có doanh nghiệp nào ở tỉnh Long An bị xử lý hình sự vì nợ bảo hiểm xã hội, nên người lao động vẫn chịu thiệt thòi. Vậy nên, cần có cơ chế hợp lý hơn để tổ chức Công đoàn có thể vào cuộc và kịp thời tham gia đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Quyết liệt hơn nữa
Tìm hiểu tại TP Đà Nẵng, đến hết tháng 1/2023, trên địa bàn còn 152 doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động với tổng số tiền nợ lên đến hơn 86 tỷ đồng. Năm 2022, TP Đà Nẵng đã xử phạt 13 đơn vị vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội với tổng số tiền 837 triệu đồng. Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành công khai danh sách nợ, trong đó nhiều nhất là Chi nhánh II-Công ty CP Công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng (gần tám tỷ đồng); tiếp theo là Công ty Cơ khí ô-tô và thiết bị điện Đà Nẵng (6,6 tỷ đồng), Công ty TNHH Empire Hospitality (khoảng 6,5 tỷ đồng), Công ty TNHH Trang trí nội thất và quảng cáo Sài Gòn DAD (4,9 tỷ đồng)…
Tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cũng đã công khai gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tính đến cuối tháng 1/2023. Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, tính đến hết tháng 1/2023, số tiền chậm đóng bảo hiểm của các đơn vị, doanh nghiệp trên toàn địa bàn là hơn 1.500 tỷ đồng. Việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu doanh nghiệp không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hành vi trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội và các khoản bảo hiểm khác đang rất nhức nhối, cần đưa vào diện xử lý hình sự bởi hình thức phạt tiền cho thấy chưa đủ sức răn đe. Thêm nữa, cần tích cực thanh tra, xác định mức độ vi phạm và xử lý sau thanh tra, không để kéo dài thời gian vi phạm của những doanh nghiệp chây ỳ.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định, người vi phạm chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn, không đóng bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, việc áp dụng trong thực tiễn lại vướng mắc về việc xác định thủ đoạn khác và phân biệt với trường hợp chậm đóng bảo hiểm xã hội vì lý do khách quan nên đến nay chưa có trường hợp nào bị đưa ra xét xử, khởi tố. Bởi thế, các cơ quan nhà nước cần xây dựng quy định cụ thể về việc xác định hành vi "gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác", tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm.