Vướng mắc trong chuyển nhượng
Quảng Nam là một trong số các địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (năm 2020, diện tích đất có rừng 683.034 ha, với độ che phủ rừng là 59,33%). Với mục tiêu tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững, từ năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam xây dựng và phê duyệt Kế hoạch thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng (gọi tắt là REDD+) tại tỉnh Quảng Nam.
Tháng 5/2021, sau khi Thủ tướng thống nhất chủ trương lập đề án thí điểm, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tiến hành đánh giá, phân tích năm nhà đầu tư tiềm năng và lựa chọn. Thời gian qua, cùng với việc lựa chọn nhà đầu tư, Quảng Nam đã hoàn chỉnh hồ sơ REDD+ tại tỉnh Quảng Nam trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt. Theo nội dung đề án, đến năm 2026 sẽ tạo ra được 6,1 triệu tín chỉ carbon rừng được xác minh và phát hành cho giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2025 (sau khi trừ đi số lượng tín chỉ dự phòng theo quy định). Với giá bán ít nhất 5 USD/tín chỉ, khi đề án được thực hiện sẽ mang lại cho tỉnh nguồn thu từ 110 đến 130 tỷ đồng/năm.
Tuy vậy, sau hai năm được lựa chọn thí điểm, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể hoàn thiện đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng, dù địa phương đã có nhiều nỗ lực. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, lĩnh vực tín chỉ carbon quá mới, hồ sơ trình thẩm định phải qua tổ chức quốc tế trong khi Quảng Nam là địa phương thí điểm đầu tiên, chưa có kinh nghiệm và chưa bảo đảm nguồn lực về kỹ thuật và tài chính nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Trong khi quy định luật pháp Việt Nam chưa cụ thể và chưa định hướng rõ ràng trong cách tiếp cận về lĩnh vực này nên khó triển khai thực hiện.
Ngoài ra, đến thời điểm này, đề án REDD+ tại tỉnh Quảng Nam trình Thủ tướng Chính phủ vẫn đang chờ phê duyệt. Bên cạnh, do chưa có quy định về hạn mức đóng góp của từng địa phương nên khi phát hành tín chỉ sẽ không thể xác định lượng tín chỉ có thể bán được là bao nhiêu. Một lý do khác là quyền sở hữu carbon rừng theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP xác định rõ quyền tín chỉ là của địa phương. Dù vậy, đến thời điểm này, nghị định vẫn chưa được ban hành.
Sớm hoàn thiện cơ chế chính sách
Các nhà chuyên môn ước tính, chỉ riêng với 4,26 triệu ha rừng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ nếu được ký kết thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon giai đoạn 2022-2026 (ước tính khoảng 5,15 triệu tấn CO2), thì các chủ rừng ở Việt Nam có thêm nguồn thu khá lớn.
Cục trưởng Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Bảo cho biết, từ tháng 10/2020, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với WB, Việt Nam sẽ chuyển cho WB 10,3 triệu tấn CO2, với giá 5 USD/tấn và 95% lượng này sẽ được tính đóng góp thực hiện cam kết giảm phát thải, đối với đóng góp do quốc gia tự quyết định. Đến nay, các thủ tục về pháp lý, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng và WB đã chuyển cho Việt Nam 80% tổng kinh phí, tương đương 41,2 triệu USD.
Trên thực tế, theo các chuyên gia, còn nhiều vướng mắc trong bán tín chỉ carbon ra thị trường thế giới để thu tiền. Như vướng mắc về chính sách, cơ chế, con người... nên các hoạt động thí điểm về phát triển dự án carbon chưa được phê duyệt để thực hiện đăng ký và ban hành được tín chỉ ra thị trường. Trong khi đó những nước gần chúng ta như Indonesia, họ đã đưa vào vận hành sàn giao dịch carbon.
Nhìn từ các địa phương, ông Vũ Đình Cường, Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng nêu một số khó khăn khi triển khai thực hiện chương trình giảm phát thải tại Việt Nam. Ông Cường nêu thực tế rằng việc chi trả dịch vụ môi trường rừng dựa vào kết quả trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thành hiện thực do yêu cầu và rào cản nhiều hơn được áp đặt theo cơ chế REDD+. Bên cạnh, tuy có sự hỗ trợ tăng cường năng lực của các tổ chức quốc tế nhưng cơ chế REDD+ vẫn còn liên quan nhiều vấn đề quản trị rừng phức tạp, cho nên khả năng đáp ứng tiếp nhận để triển khai của bộ phận quản lý gặp nhiều khó khăn. Việc lồng ghép các nội dung REDD+ và kết nối vào hệ thống chính sách ngành lâm nghiệp cùng với các mục tiêu kinh tế-xã hội khác còn phải tiếp tục nỗ lực tích cực hơn nữa giữa các bên tham gia. Để hoàn thiện các yếu tố giảm phát thải theo lộ trình, ông Cường đề xuất bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ các địa phương kết nối các chương trình dự án hợp tác quốc tế nhằm huy động sự hỗ trợ các nguồn lực kỹ thuật tài chính để tiếp tục thực hiện.
Với 14,7 triệu ha rừng, độ che phủ ở mức 42%, Việt Nam có nhiều thuận lợi và đang triển khai nhiều chương trình để đẩy nhanh thực hiện chuyển nhượng carbon rừng. Để tín chỉ carbon rừng của Việt Nam sớm được giao dịch trên sàn giao dịch quốc tế, việc xây dựng, hoàn thiện, đủ các cơ chế về chính sách, kỹ thuật, con người là điều kiện cần hiện nay để Việt Nam tham gia vào thị trường carbon còn khá mới mẻ này.