Sách gợi ký ức sông Đà

Nơi thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, các dịch giả, nguyên lãnh đạo, cán bộ, kỹ sư… của công trình thủy điện một thời đã ra mắt hai cuốn sách: “Hai nhà máy thủy điện ngầm của Việt Nam” (NXB Khoa học và kỹ thuật) và “Tiếng vọng sông Đà” (NXB Phụ nữ Việt Nam). 

Sách gợi ký ức sông Đà

Cuốn “Hai nhà máy thủy điện ngầm của Việt Nam” (nguyên bản tiếng Nga được xuất bản tại NXB Đại học Bách khoa Sankt-Peterburg tháng 6/2006)  của hai tác giả: V.Sklyarenko (nguyên Kỹ sư trưởng Văn phòng điều hành) và O.D.Zvyagin - hai chuyên gia từng làm việc tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình và Yaly. “Tiếng vọng sông Đà” là hồi ức của những người đã góp sức mang lại nguồn điện sáng, tập hợp các trang nhật ký, hồi ký của các chuyên gia, kỹ sư Liên Xô như: Pavel Timofeevich Bogachenko (Tổng chuyên viên Xô-viết, lãnh đạo công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình), Vladimirov Vladimir Borisovich (Kỹ sư trưởng Dự án Thủy điện Hòa Bình)…, các nhà quản lý Việt Nam và các cán bộ, công nhân từng gắn bó tuổi xuân với công trình thủy điện và sau này trở thành các nhà văn nổi tiếng. Những người làm sách cũng không quên nhắc đến tác phẩm viết về công trường thủy điện như: “Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà” của nhà thơ Quang Huy và bài hát cùng tên được nhạc sĩ An Thuyên phổ nhạc. 

Có lẽ, kỷ niệm sâu sắc nhất là những tình huống căng thẳng trên công trường. Ông Ngô Bắc Hải, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty Xây lắp và Thi công cơ giới, Tổng công ty Xây dựng sông Đà) đã ghi lại không khí cuộc họp gắn với khẩu hiệu “Cao độ 81 hay là chết” - nổi tiếng một thời:  “Cuộc họp khá đông đủ các thành phần, không khí hơi nặng nề, căng thẳng thể hiện trên nét mặt các thành viên dự họp vì công việc. Sau khi triển khai nhiệm vụ đắp đập đạt cao độ 81 bảo đảm tiến độ chống lũ của Tổng công ty giao, anh Vũ nói đại ý: Bây giờ chúng ta đang cưỡi trên lưng hổ, không còn con đường nào khác ngoài việc phải đắp đập đến cao độ 81 trước mùa mưa, bảo đảm chống lũ thắng lợi cho toàn bộ công trình, khẩu hiệu hành động lúc này là “Cao độ 81 hay là chết”, từng cán bộ kỹ thuật, công nhân viên phải luôn nhớ trong đầu. Giao cho Đoàn Thanh niên công ty kẻ ngay khẩu hiệu “Cao độ 81 hay là chết!” gần nhà điều độ công ty ở chân đập, nơi có cột đèn cao áp phục vụ thi công ban đêm, để mọi người hằng ngày đi làm ba ca đều nhìn thấy, như một điều nhắc nhở và là quyết tâm của cán bộ, công nhân viên công ty”. 

Nhà máy thủy điện Hòa Bình không chỉ là nguồn năng lượng mà còn là minh chứng cho tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô như lời kỹ sư Grek Alek Grigorievich ghi lại thông điệp tốt đẹp từ những năm tháng đó: “Thứ 6, ngày 17…, thành phố nhỏ xinh đẹp, sau này khi kết thúc xây dựng sẽ là nơi sinh sống của cán bộ, công nhân viên làm công tác quản lý vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Các chuyên gia Liên Xô sau khi đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình sẽ trở về quê hương thân yêu. Nhưng với một tình yêu chân thành, họ luôn nhớ về những năm tháng đã sống và làm việc trên sông Đà, nhớ những người bạn Việt Nam đã cùng họ tạo ra nguồn năng lượng cho đất nước. Họ sẽ mãi nhớ thành phố Hòa Bình, dịch ra tiếng Nga có nghĩa là “Mir” - Hòa Bình cho thành phố nhỏ này, Hòa Bình cho Việt Nam, cho tất cả chúng ta”.