Trong những năm qua, cùng các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải, ứng phó các tác động của biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, các chính sách và hành động nhằm sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường đang từng bước được đẩy mạnh. Trước hết, phải kể đến Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, theo đó lần đầu chỉ tiêu về công trình xanh được đưa vào tiêu chí phân loại đô thị; Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra định hướng chuyển đổi xanh nền kinh tế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ cũng đã đưa ra khái niệm “công trình xanh” và khẳng định Nhà nước khuyến khích các hoạt động phát triển công trình xanh.
Về phía Bộ Xây dựng, để tháo gỡ các rào cản, một số giải pháp về chính sách đang và sẽ được Bộ nghiên cứu, đề xuất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành theo hướng:
Nghiên cứu lồng ghép các nội dung về sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, giảm tác động môi trường trong các lĩnh vực xây dựng, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách có liên quan như các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản; quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Cấp thoát nước…
Nghiên cứu rà soát, sửa đổi quy định về phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
Nghiên cứu, rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn hiện hành như QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng, QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả và nghiên cứu xây dựng các quy chuẩn mới có liên quan như quy chuẩn về kết cấu dạng nhà, quy chuẩn về nhà công nghiệp…
Nghiên cứu xây dựng lộ trình phù hợp để từng bước yêu cầu bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn đánh giá, chứng nhận công trình với một số loại hình, quy mô công trình, sau đó dần dần mở rộng thêm các đối tượng, quy mô với các loại hình công trình khác.
Về lâu dài, Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu đề xuất chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng các sản phẩm, thiết bị, công nghệ, vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, phát thải thấp; thiết kế, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực cho các đối tượng liên quan kỹ năng, kiến thức chuyên môn phát triển công trình xanh.