PVN cần được trao cơ hội để bứt phá

Xu hướng chuyển dịch năng lượng, những biến động phức tạp của địa chính trị ảnh hưởng tới cung, cầu dầu thô, các sản phẩm từ dầu... đang đặt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào thế buộc phải làm khác để bứt phá. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước đang làm khó kế hoạch này.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương​​​​​​​
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương​​​​​​​

- Xin ông nhìn nhận về những thách thức lớn mà PVN đang đối mặt trong bối cảnh thị trường xăng dầu toàn cầu gặp khó khăn?

- PVN đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn như xu hướng chuyển dịch năng lượng, biến động cung, cầu dầu thô, các sản phẩm từ dầu trên thế giới... Nhưng theo tôi, có lẽ thách thức lớn hơn cả là cơ chế, chính sách để PVN hoạt động. Tập đoàn này cần phải đặt ra tầm nhìn mang tính chiến lược cũng như có đủ năng lực, nguồn lực để thực hiện tầm nhìn, chiến lược đó. Thực tế, đây không chỉ là thách thức của PVN mà của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước.

- Cụ thể, cơ chế mà ông muốn nói đến là gì?

- Thông thường, trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ phải đặt ra bài toán về kế hoạch hành động là gì, tìm kiếm thị trường mới, nghiên cứu sản phẩm mới... như thế nào và cần phải chuẩn bị những gì cho việc hiện thực hóa kế hoạch mới đó. Nguyên tắc và thông lệ trong kinh doanh là cơ hội này đóng lại thì phải mở ra cơ hội khác, nếu không muốn tụt lùi.

Trong lĩnh vực năng lượng, như khai thác dầu khí, nếu trữ lượng tới hạn thì doanh nghiệp cần tìm kiếm mỏ mới; hay đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để bắt kịp xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Nhưng với PVN và nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, đây lại là câu hỏi rất khó, nhất là trong bối cảnh mọi việc thay đổi rất nhanh, cần các quyết định kịp thời.

Rào cản xuất hiện ngay từ quy định pháp luật liên quan đến quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu... hiện chưa đồng bộ, chưa phù hợp đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành doanh nghiệp nhà nước trong kinh tế thị trường. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước buộc phải xin ý kiến, xin chấp thuận và phê duyệt của nhiều cơ quan quản lý trong việc quyết định các vấn đề quản trị kinh doanh của doanh nghiệp...

- Trong kinh doanh có yếu tố rủi ro lớn đi kèm với lợi nhuận cao, tuy nhiên với doanh nghiệp nhà nước, không đơn giản như vậy, thưa ông?

- Đúng là cơ chế chấp nhận rủi ro trong kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước hầu như không có. Các doanh nghiệp rất sợ đầu tư mà thua lỗ. Cũng vì tính chủ động của doanh nghiệp trong kinh doanh bị bó buộc, khiến doanh nghiệp nhiều khi không được làm, thậm chí không dám làm. Không thể cạnh tranh được trong tình thế này, nhất là khi PVN và các doanh nghiệp nhà nước khác phải bước ra khỏi vùng an toàn, phải đầu tư ra nước ngoài, cạnh tranh trên thị trường quốc tế...

PVN cần được trao cơ hội để bứt phá -0
Tuy là quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu dầu thô về chế biến. Ảnh: HUY HÙNG 

- Liệu rằng, doanh nghiệp nhà nước có thể vận hành như doanh nghiệp tư nhân? Cơ chế nào bảo đảm kiểm soát vốn và khả năng sinh lời?

- Có thể nói một cách hình ảnh, trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp nhà nước rất lớn, rất hoành tráng, nhưng cơ chế để hoạt động lại rất èo uột. Thử hỏi PVN có thể làm gì trong bối cảnh thế giới có xu hướng chuyển dịch năng lượng, cũng như có thể tận dụng cơ hội nào trong sự chuyển dịch này?

Nếu PVN muốn đầu tư vào các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo hay đặc biệt là công nghệ tích trữ năng lượng, thì cần nguồn lực lớn, cả vốn và nhân lực để đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển, mở rộng thị trường... Nhưng với cơ chế, chính sách dành cho doanh nghiệp thiên về quản lý chặt chẽ vốn nhà nước hơn là gia tăng hiệu quả nguồn lực, thời gian để làm thủ tục cho một dự án mất vài năm, thì PVN hay các doanh nghiệp nhà nước không muốn làm, không dám làm và cũng không thể làm vì không cạnh tranh được với các doanh nghiệp tư nhân trong cùng một sản phẩm, dịch vụ...

- Nghĩa là PVN phải thật sự được hoạt động như một doanh nghiệp có khả năng chơi cùng luật chơi với doanh nghiệp toàn cầu?

- Đó là yêu cầu đầu tiên của phát triển trong kinh tế thị trường. Doanh nghiệp nhà nước cần có cơ chế để sẵn sàng bước chân vào cạnh tranh quốc tế, sẵn sàng đầu tư mạo hiểm, mở ra hướng kinh doanh mới, tạo hệ sinh thái trong ngành năng lượng. PVN chỉ được khai thác và chế biến các sản phẩm từ dầu, chỉ ở trong nước thì không thể phát triển được. Việc tái cơ cấu các doanh nghiệp này cần phải có tầm nhìn, chiến lược dài hạn, bứt phá, để có sự chuẩn bị cho giai đoạn tới.

- Xin cảm ơn ông!

Nhìn vào không gian phát triển của PVN, để phát triển mạnh mẽ hơn, Tập đoàn phải đầu tư ra nước ngoài tìm kiếm các mỏ dầu mới, đầu tư đổi mới công nghệ khai thác, phát triển nguồn năng lượng mới, thậm chí là đầu tư lĩnh vực mới như dự trữ năng lượng. Nhưng với cơ chế hiện hành, PVN không thể làm khác. Dư địa phát triển vì thế bị hạn hẹp.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương