Xanh hóa sản xuất, nâng tầm hàng Việt Nam

Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang là những mục tiêu cấp bách hàng đầu của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Làm được điều này, hàng hóa của Việt Nam mới rộng cửa vào những thị trường khó tính, nền sản xuất của Việt Nam mới được nâng tầm.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu sản phẩm may mặc với khách hàng nước ngoài. Ảnh: HẢI NAM
Giới thiệu sản phẩm may mặc với khách hàng nước ngoài. Ảnh: HẢI NAM

Rộng đường vươn ra thế giới nếu đáp ứng tiêu chuẩn xanh

Sau ba năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), kỳ vọng về sự tăng trưởng thương mại Việt Nam - EU đã trở thành hiện thực. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Nhưng EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao, gia tăng yêu cầu về chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, phát triển bền vững… với hàng hóa nhập khẩu mà chúng ta gọi chung là các “tiêu chuẩn xanh”.

“Xanh hóa” hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là hướng đi các doanh nghiệp buộc phải hướng tới.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ: Dệt may là một mặt hàng tác động đến môi trường lớn thứ ba ở EU, cho nên ngay từ đầu chúng tôi xác định đây là một vấn đề mà chúng tôi phải bám rất sát.

Về phía Tập đoàn Dệt may, ông Anh bày tỏ: Là những nhà sản xuất theo yêu cầu của khách hàng, cho nên chúng tôi nhìn thấy những nhà mua hàng lớn trên thế giới hiện nay đều có một chiến lược phát triển bền vững của riêng mình, họ cũng công bố rộng rãi. Với Adidas hay Nike, họ cũng đều đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hay đến 2030 là họ dùng 50% nguyên liệu tái chế được. Họ đều có một chương trình phát triển bền vững rất cụ thể thì chúng tôi làm hàng theo yêu cầu của họ cũng phải có những thay đổi về mặt nguyên liệu. Thí dụ, chúng tôi phải mua những nguồn nguyên liệu mang tính chất tự nhiên và có thể tái chế được.

“Về phía doanh nghiệp, rõ ràng với Vinatex xác định phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện về chiến lược đường dài. Chúng ta cũng không thể một sớm một chiều ngay lập tức chuyển đổi toàn bộ”, ông Vương Đức Anh nói.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng: Trong Hiệp định EVFTA có một chương là Phát triển bền vững. Vấn đề phát triển bền vững trong EVFTA đề cập hai lĩnh vực, một là về môi trường và hai là về lao động. Cho nên nói về phát triển bền vững thì không chỉ là về môi trường, mà chúng ta cần phải nói về lao động nữa. Về môi trường, trong EVFTA đề cập bốn khía cạnh chính: thứ nhất là biến đổi khí hậu, thứ hai là đa dạng sinh học, thứ ba là quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản, thứ tư là quản lý phát triển, bảo tồn các sinh vật biển và nuôi trồng thủy sản.

“Về biến đổi khí hậu, bản chất theo EVFTA hai bên sẽ phối hợp với nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình hợp tác liên quan đến cơ chế về định giá carbon, giảm thải carbon. Vấn đề này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải chú ý trong quá trình lựa chọn nguyên liệu, làm sao bảo đảm được quy trình sản xuất của mình thân thiện với môi trường, hạn chế thấp nhất việc sử dụng các nguồn nguyên liệu gây hại môi trường. Tóm lại, chúng ta phải xanh hóa quá trình sản xuất”, ông Khanh lưu ý.

Xanh hóa sản xuất, nâng tầm hàng Việt Nam ảnh 1

Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, giảm phát thải ra môi trường. Ảnh: BẮC SƠN

Lợi ích lâu dài

Thúc đẩy tăng trưởng xanh, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Nghị định quy định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đồng thời đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, việc tổng kết thi hành Nghị định sẽ tạo điều kiện, căn cứ thực tiễn cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Các lĩnh vực tham gia Cơ chế thử nghiệm bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp; Năng lượng; Vật liệu xây dựng.

Theo giải thích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được lựa chọn là do đây là một ngành quan trọng chưa có sự đột phá về tăng năng suất lao động, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ gắn với phát triển bền vững, giảm phát thải ra môi trường. Điều này là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng trưởng của ngành này chưa được cải thiện một cách đáng kể trong nhiều năm qua (trung bình đạt 2,98%/năm trong giai đoạn 2016-2021; 3,36% năm 2022 và 2,43% trong quý I/2023).

Nếu tạo được đột phá thông qua ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng cao hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, đạt giá trị cao hơn trong xuất khẩu, cải thiện năng suất và thu nhập cho người lao động (đặc biệt là lao động nữ), và đóng góp hiệu quả vào giảm phát thải (thậm chí có thể bán tín chỉ carbon), góp phần bảo đảm an ninh lương thực ở khu vực và thế giới.

Còn trong lĩnh vực công nghiệp, phát triển các dự án, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là tác nhân quan trọng để doanh nghiệp thay đổi đáng kể về mô hình sản xuất, tư duy liên kết và thích ứng với các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững của EU là một xu thế chung tất yếu. Nếu hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, bền vững mà EU áp đặt sẽ có nhiều cơ hội tận dụng những ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

“Nếu như hàng hóa của Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu liên quan đến yếu tố xanh, bền vững mà EU áp đặt thì cũng không có cơ hội nào để tận dụng những ưu đãi thuế quan cả”, bà Trang nhấn mạnh.

Tham luận của PGS, TS Bùi Quang Tuấn và TS Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế xã hội mới đây cho rằng: Hiện nay, Việt Nam đang đứng giữa ngã rẽ để phục hồi hậu Covid-19. Đây là cơ hội lớn để các địa phương lựa chọn giữa lộ trình cũ hay lộ trình tăng trưởng xanh để giúp đối mặt với tác động của dịch bệnh trong tương lai, rủi ro do biến đổi khí hậu và bền vững về môi trường. Nếu chọn lựa theo xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh.

Đây là hướng đi đúng đắn để thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chú trọng hơn vào số hóa, vào xanh hóa, vào sự cân đối và hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững, trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời bảo đảm mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.

“Từ phân tích trên, có thể thấy việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam để hướng đến một tương lai nền kinh tế: “Thịnh vượng về kinh tế gắn liền tính bao trùm và tính bền vững về môi trường, chống chịu hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và các cú sốc”, nhóm tác giả nhận định.