Điểm sáng xuất khẩu

Nhiều ngành sản xuất đang nắm bắt nhanh cơ hội khi thị trường thế giới phục hồi để tăng tốc xuất khẩu, thế nhưng từ kinh nghiệm “vượt gió ngược”, doanh nghiệp cần có sự tiếp cận mới mẻ, dài hạn...
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sản xuất của Công ty CP công nghiệp Á Mỹ (AMY GRUPO).
Dây chuyền sản xuất của Công ty CP công nghiệp Á Mỹ (AMY GRUPO).

Đơn hàng tăng trở lại

Không còn ảm đạm như năm ngoái, từ đầu năm nay, đơn hàng đã dần quay trở lại, xưởng sản xuất đã có nhiều thời điểm tăng ca để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác nước ngoài. Ông Trần Tuấn Đại, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP công nghiệp Á Mỹ (AMY GRUPO) cho biết, tại xưởng sản xuất của công ty, công nhân được chia ca, chia kíp làm việc nhằm chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới như Peru, Argentina, Uruguay, Nhật Bản, Pháp, Mexico, Yemen, Singapore, Tây Ban Nha… Đây là các thị trường công ty đã “khai phá” được trong năm 2023.

Năm 2023 doanh thu xuất khẩu tăng 138%, sản phẩm của AMY GRUPO hiện có mặt ở hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường “khó tính” như Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ… Năm 2024, ông Đại dự báo doanh thu sẽ còn tăng trưởng cao khi đã có nhiều tín hiệu “dễ thở”.

S&P Global công bố báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 4/2024 cho thấy, điểm nhấn nổi bật là sản lượng tăng trưởng trở lại nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng.

Đơn cử như sản xuất đồ gỗ trong bốn tháng đầu năm nay đã phục hồi tới 80-90%. Một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến giữa năm 2024. Hay đối với ngành da giày, tiếp tục nằm trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, lũy kế bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 6,542 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu da giày tăng phản ánh phần nào bức tranh đơn hàng đã khởi sắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực này so với cùng thời điểm trước.

Một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của chúng ta là dệt may cũng đã có nhiều khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã ký được đơn hàng đến hết quý II, thậm chí một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý III/2024.

Còn xuất khẩu rau quả - ngành hàng luôn được xem “lực kéo” xuất khẩu cả nước cũng đang thể hiện được tầm quan trọng. Trong bốn tháng, xuất khẩu rau quả đạt 1,8 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu rau quả giữ mức tăng trưởng cao và có nhiều chuyển biến tích cực về thị trường, đồng thời nâng cao năng lực chế biến. Ngành rau quả đang được kỳ vọng lập nên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay.

Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam (tháng 4/2024), Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đang có một số tín hiệu phục hồi. “Chỉ dấu tích cực thể hiện qua tăng trưởng xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần”, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam cho biết.

Theo chuyên gia WB, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo của Việt Nam tiếp tục phục hồi trong 2 năm tới, dựa trên dự báo tăng trưởng nhẹ và nhu cầu nhập khẩu của các đối tác thương mại lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Ngoài ra, từ nền tảng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đang nghiên cứu mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 - 2025 có mức tăng thấp hơn năm 2023, nhưng vẫn có một số nền kinh tế có mức tăng trưởng tốt hơn, trong đó có Việt Nam.

Đón sóng kép chu kỳ kinh tế mới

Thế nhưng, nhiều tổ chức quốc tế cũng đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 chưa thể có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng những động thái xác nhận chu kỳ kinh tế thập kỷ mới đã bắt đầu.

Trước thực tế này, ông Đại cho rằng, trong bất kể tình huống nào thì cách làm của chúng ta vẫn phải là tìm “cơ” trong “nguy” bởi, chu kỳ kinh tế mới bắt đầu, với Việt Nam nó là một đợt “sóng kép” của chu kỳ thời gian và lợi thế vị thế quốc gia. “Chu kỳ mới không đương nhiên dành cho tất cả, mà chỉ dành cho sự chuẩn bị chu đáo, khoa học, được triển khai bài bản và dài hạn”, ông Đại nói.

Riêng với AMY GRUPO, ông Đại cho hay, để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong thời gian tới, AMY GRUPO tập trung đẩy mạnh kế hoạch cho năm 2024 và lộ trình cho những năm tiếp theo, với mục tiêu cao hơn nhưng vẫn có sự chuẩn bị ứng phó với nhiều kịch bản khác nhau đến từ biến động của nền kinh tế.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhìn nhận, tính chất lên xuống thất thường của số lượng đơn đặt hàng mới gần đây khiến các công ty lo lắng về tương lai. Một số dấu hiệu cho thấy mức độ tăng trở lại có lẽ đã làm các doanh nghiệp bất ngờ vì họ đã quyết định cho công nhân nghỉ việc sau thời gian nhu cầu sản xuất giảm.

Thực tế, những doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, da giày đang phục hồi đơn hàng thì một trong những điều làm cho họ đau đầu là lo thiếu hụt lao động vốn bị tổn thương nặng do thiếu đơn hàng như hồi năm rồi, nhất là thiếu các lao động có tay nghề cao. Như ngành may mặc đang thiếu khoảng 500.000 lao động, trong đó thiếu nhiều nhất là lao động có tay nghề cao, như kỹ sư, quản lý, chuyên gia thiết kế, kiểm tra chất lượng…

Trước diễn biến này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam cho hay, doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức quản lý, không thể quản lý theo kiểu truyền thống, mệnh lệnh, thủ công mà cần ứng dụng chuyển đổi số trong hệ thống quản lý để dòng chảy dữ liệu trong nhà máy cần được liên tục giúp người lãnh đạo cập nhật được thông tin và ra quyết định kịp thời, khi đó mới nắm bắt và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhấn mạnh, đơn hàng trở lại là niềm vui hiện tại, song kinh nghiệm những năm qua cho thấy, doanh nghiệp cần có sự chủ động dài hơi và có dự báo cũng như dự phòng rủi ro. Trước mắt, tại thị trường EU, một loạt các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm phát thải carbon đối với các sản phẩm sản xuất… đã và sẽ được thực thi thời gian tới và yêu cầu các quốc gia xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ. Đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam.

Vị đại diện lưu ý, ngành dệt may xuất khẩu vào thị trường EU khá lớn (chỉ sau Trung Quốc) khoảng 6 tỷ Euro/năm, nên chắc chắn EU sẽ áp dụng cơ chế CBAM với mặt hàng da giày của Việt Nam.