Doanh nghiệp vẫn lúng túng chuyển đổi số

Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây, mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện đáng kể so với năm trước (tăng từ 0,7 - 1,4 điểm), tuy nhiên nhiều rào cản vẫn khiến phần đông doanh nghiệp phải loay hoay.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp đang chú trọng trong lĩnh vực chuyển đổi số. Ảnh: NAM ANH
Nhiều doanh nghiệp đang chú trọng trong lĩnh vực chuyển đổi số. Ảnh: NAM ANH

Theo bà Phạm Hoài Anh, Giám đốc Thương mại 1C Việt Nam, hiện tại ở Việt Nam chỉ có khoảng 2% là các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện. Như vậy có tới gần 98% số doanh nghiệp chưa thể thực hiện chuyển đổi số được. Một trong những rào cản chính là nhận thức và sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như sự ủng hộ của người lao động trong bộ máy. Bên cạnh đó, việc nắm bắt được nhu cầu của mình cũng như những giải pháp hiện có trên thị trường còn rất hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể tìm thấy “lối ra”.

Rào cản đến từ con người

Trước đây, Tập đoàn Intech tiếp cận với chuyển đổi số bằng nhận thức đơn giản là áp dụng những phần mềm đóng gói sẵn trong một khâu hoặc một bộ phận nào đó trong doanh nghiệp. Ông Cao Đại Thắng, Giám đốc Điều hành tập đoàn chia sẻ, những phần mềm này có giá thành rẻ, dễ sử dụng và phần nào cũng hỗ trợ tăng năng suất của nhân viên làm việc. Nhưng khi yêu cầu ở mức cao hơn, phức tạp hơn thì những phần mềm này khó tương thích và đôi khi gặp trục trặc khiến nhân viên gặp khó. Dần dần có những bộ phận trở về sử dụng phương thức làm việc cũ.

Cuối năm ngoái, tập đoàn này đã quyết tâm chuyển đổi số toàn diện bằng việc thuê một đơn vị tư vấn, thiết kế để số hóa toàn bộ dữ liệu và chuẩn hóa quy trình. Công việc này kéo dài nhiều tháng bởi không chỉ dừng ở quy trình, mà còn là đào tạo con người để bảo đảm việc vận hành hệ thống hiệu quả. Dù khó khăn và đòi hỏi một nguồn lực không nhỏ, nhưng kết quả đã vượt ngoài mong đợi. “Chúng tôi đã có thể vận hành trơn tru cả hệ thống mà không gặp vướng ở một khâu hay một quy trình nào bởi sự đồng bộ về công nghệ. Không chỉ nâng cao hiệu quả trong hệ thống làm việc từ lãnh đạo tới nhân viên mà chúng tôi còn gia tăng được sức cạnh tranh khi tiếp cận với khách hàng”, ông Thắng cho biết.

Câu chuyện ở giai đoạn đầu của Tập đoàn Intech hiện vẫn đang tương đối phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bà Đặng Thị Thu Hoài, đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam chia sẻ, hiện có hơn 8.000 thành viên trên cả nước, với 33 tổ chức hội trực thuộc ở các địa phương. Phần đông số doanh nghiệp này chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số, mới chỉ hiểu đơn thuần chuyển đổi số là mua một hệ thống máy tính, cài đặt một số phần mềm quản trị doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc có những doanh nghiệp đầu tư giải pháp chuyển đổi số song không mang lại hiệu quả. Theo bà Hoài, khi chưa xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, chưa thay đổi được suy nghĩ thì giải pháp công nghệ dù tốt cũng không thể phát huy hiệu quả.

Báo cáo thường niên về chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, nhìn chung, các doanh nghiệp tham gia đều có mức độ nhận thức về chuyển đổi số ở mức nâng cao. So với năm 2022, ghi nhận mức độ sẵn sàng chuyển đổi số (MĐSS CĐS) trung bình ở tất cả các khía cạnh đều có xu hướng tăng. Xét theo ngành, nếu như trong năm 2022, có bốn ngành bao gồm giáo dục đào tạo; bất động sản; hoạt động hành chính và hỗ trợ; nghệ thuật, vui chơi và giải trí đều đạt điểm MĐSS CĐS dưới trung bình (<2,5), thì trong năm 2023, tất cả các ngành ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm MĐSS CĐS, đều đạt ngưỡng điểm trên trung bình (>2,5) với mức tăng từ 0,7 - 1,4 điểm so với năm trước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Mặc dù đã có nhận thức cao hơn nhưng mức độ áp dụng chuyển đổi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn ở mức áp dụng một phần và chưa đạt được như yêu cầu đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số. Trong đó, tính kết nối trong công tác chuyển đổi số nội bộ rất yếu và thiếu dẫn đến việc chuyển đổi số trong nội bộ không đồng bộ, kém hiệu quả, từ đó không khai thác giá trị mà hoạt động chuyển đổi số mang lại.

Thay đổi nhận thức là trọng tâm

Đại dịch đã tác động đến mọi ngành công nghiệp và cản trở các hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên đây cũng là chất xúc tác vô cùng đặc biệt để có sự thay đổi cũng như thúc đẩy nhu cầu về chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Đức Trung, xu hướng ngày nay trên thế giới không chỉ dừng ở chuyển đổi số mà còn song hành cùng chuyển đổi xanh. Nhiều sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm hoặc loại bỏ lượng khí thải nhà kính. Trong bối cảnh đó, nếu các doanh nghiệp Việt chậm chân sẽ bị “bỏ lại”, mất đi khả năng cạnh tranh và càng dễ tổn thương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực của doanh nghiệp bị suy giảm, mức độ phục hồi cũng hạn chế, bà Đặng Thị Thu Hoài cho rằng, sự hỗ trợ của Nhà nước là hết sức cần thiết. Trong đó tập trung vào việc nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của doanh nghiệp vào vấn đề chuyển đổi số cũng như những xu hướng mới của thế giới. Từ đó giúp doanh nghiệp định hình và bố trí nguồn lực một cách có hiệu quả.

Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tới năm 2025 có 100% số doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; ít nhất 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; ít nhất 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm ít nhất 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

“Những doanh nghiệp tư vấn giải pháp như chúng tôi sẵn sàng sẽ đồng hành cùng các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. Không chỉ ở việc đào tạo nâng cao nhận thức mà có thể thông qua hình thức trợ giá các sản phẩm dịch vụ đặc biệt hướng tới đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Hoài Anh chia sẻ và kỳ vọng sự đồng hành giữa doanh nghiệp và Nhà nước sẽ góp phần cải thiện đáng kể hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp.