Những thế hệ kiến trúc sư đầu tiên và vấn đề dân sinh
Đầu thế kỷ 20, nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh khởi xướng phong trào Duy Tân, với khẩu hiệu "Khai Dân trí-Chấn Dân khí-Hậu Dân sinh". Những thành tựu đầu tiên của kiến trúc Việt Nam cũng luôn gắn với vấn đề "dân sinh" ấy.
Nhà Ánh sáng là phong trào cải cách xã hội do nhóm Tự lực văn đoàn khởi xướng, với phương châm xã hội-nhân đạo-cải cách. Vượt ra khỏi giới hạn thuần túy của một phong trào xây dựng nhà ở cho người nghèo, chương trình Nhà Ánh sáng được một số nhà nghiên cứu xem như hạt giống của xã hội công dân, hoặc một hình thức nhân đạo xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở nước ta.
Hòa vào phong trào ngay từ những ngày đầu, hai kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp đã vẽ "một kiểu nhà mới" cho dân nghèo ở thôn quê, kèm bài viết giải thích cách chọn phương hướng, làm sao cho nhà thoáng và mát (đăng trên báo Phong hóa, đầu năm 1936). Đây là kiểu nhà gỗ, mái tranh, tường đất, thềm gạch, với mẫu bàn ghế và đồ đạc bằng gỗ và tre. Cuối năm 1936, hai ông thiết kế loạt nhà kiểu mẫu, làm theo kiến trúc mới, không tốn thêm tiền so với nhà theo lối cũ nhưng lại có đủ tiện nghi, có luật lệ chung cư, để giữ vệ sinh chung. Đây là loạt chung cư đầu tiên được xây dựng trên đất nước ta. Đề xuất này được phát triển thành mẫu cho những Nhà Ánh sáng, dựng năm 1938 ở bãi Phúc Xá (Hà Nội).
Ở miền bắc, kể từ sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, nhà ở luôn là một trong những vấn đề quốc kế dân sinh được nhà nước quan tâm.
Khu tập thể bờ sông (ở phía ngoài đê sông Hồng) là tên gọi của một trong những khu nhà ở tập thể đầu tiên như thế ở Hà Nội. Đây là kiểu nhà hai tầng, tường gạch thang gỗ, mỗi tầng có khoảng 10 phòng ở, mấy dãy nhà mới có chung một bể nước và khu vệ sinh chung.
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, chính phủ Việt Nam bắt đầu một chương trình nhà ở lớn (nhà ở lắp ghép và nhà ở xây bằng gạch), các căn hộ được cấp gần như miễn phí, người ở chỉ phải trả khoản tiền thuê nhà mang tính tượng trưng (bằng 1% tiền lương). Mô hình tiểu khu/khu tập thể (microrayons) đã được các chuyên gia của một số nước Xã hội chủ nghĩa đem đến Hà Nội, cũng như các kiến trúc sư Việt Nam trở về từ Liên Xô. Các khu ở kiểu này lần lượt được xây dựng (ở Hà Nội, Vinh) với những căn hộ giống nhau, có diện tích nhỏ (25-30 m2) nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho nhiều người lao động, trong điều kiện kinh tế đất nước còn rất khó khăn; cùng những tiện ích đi kèm (nhà ăn tập thể, trường học và nhà trẻ, cửa hàng) trong các khu tập thể (cao từ 2-5 tầng).
Các khu tập thể đó đã trở thành "…Di sản vật chất của những chính sách nhà ở có lẽ là nhân đạo nhất trong lịch sử hiện đại, nơi mà các kiến trúc sư đã sử dụng kỹ năng của họ để cải thiện xã hội, hơn là để đánh bóng tên tuổi…"- nhận định gần đây của Giáo sư ngành Nhân học người Mỹ Christina Schwenkel.
Trong giai đoạn sau ngày 30/4/1975 đến trước thời kỳ Đổi mới, các kiến trúc sư trẻ tập trung nhiều vào giải quyết những vấn đề căn bản, cấp bách của đất nước sau chiến tranh. Đó là kiến trúc nông thôn, nhà ở và khôi phục đô thị, với nhiều góc nhìn sáng tạo giàu trách nhiệm xã hội, thông qua các đề xuất về chất lượng không gian sống gắn với sinh kế của người dân.
Kiến trúc sư Nguyễn Luận là người đầu tiên đề xuất mô hình nhà ở sinh thái hiện đại cho nông thôn Việt Nam, qua đồ án "Nhà ở nông thôn: đơn vị cân bằng sinh thái", đạt Giải nhất Cuộc thi Kiến trúc Quốc tế do Hiệp hội hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT) và UNESCO tổ chức tại Paris vào năm 1979. Ở cuộc thi này, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất (lúc đó đang là sinh viên) cũng nhận Giải nhất, với đồ án "Nhà ở vùng ngập nước Năm Căn".
Năm 1991, lần đầu, Việt Nam có công trình thực tế đạt Giải Vàng Kiến trúc Quốc tế tại Interarch-91: Công trình Làng trẻ em SOS Hà Nội. Kiến trúc sư Vũ Hoàng Hạc đã thể hiện ý tưởng đầy nhân văn với một ngôi làng có tỷ lệ không gian hài hòa, thân thiện với trẻ em, các ngôi nhà trong làng sử dụng vật liệu gạch, ngói đỏ bản địa, ngôn ngữ tạo hình hiện đại mà vẫn giữ tinh thần không gian Việt.
Cùng thời điểm những năm 90 thế kỷ trước ấy, kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận thiết kế chợ Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), chợ Sơn Tây, chợ Hàng Da (TP Hà Nội)..., là các chợ dân sinh phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân. Kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng có giải pháp mở đường xuyên qua lõi ô phố cổ Hà Nội để tạo nên các phố mới bên trong, giải quyết tình trạng ô nhiễm, đồng thời tạo cơ hội cho người dân kinh doanh dịch vụ.
Thế giới quan nhân văn và nghĩa vụ xã hội của kiến trúc sư
Chúng ta đang sống ở thời kỳ công nghiệp hóa và bùng nổ đô thị hóa. Song, vẫn tồn tại những nhóm dân cư chịu nhiều thua thiệt, như người lao động nghèo, những "cộng đồng dễ bị tổn thương (về vật chất, vị thế xã hội, cơ hội phát triển)". Đây chính là cộng đồng mà "kiến trúc vị dân sinh" nhất thiết phải hướng tới, với sứ mệnh: Đáp ứng (các hoạt động sống thiết thực của người dân) + Cải thiện (chất lượng cuộc sống) + Bù đắp (những thua thiệt về kinh tế, văn hóa, xã hội) cho họ.
Có thể coi "kiến trúc vị dân sinh" gồm những không gian dành cho các hoạt động thuộc ba tầng nhu cầu cơ bản của con người (hướng từ dưới lên theo Tháp nhu cầu Maslow): Nhu cầu sinh học cá nhân; nhu cầu an sinh và nhu cầu xã hội. Từ đó, hình thành nên các chuỗi dự án tương ứng với ba tầng nhu cầu này. Vai trò tổ chức của kiến trúc sư là vận dụng kiến thức chuyên môn theo thế giới quan nhân văn của mình để tạo dựng môi trường không gian cho các hoạt động đó đạt được hiệu quả lâu dài/ bền vững, thật sự vì cuộc sống người dân, vì cả lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội.
Đến hôm nay, chúng ta đã "mượn" thiên nhiên những khoảng không quý giá, để tiếp tục tạo dựng thêm những khối lượng kiến trúc khổng lồ. Song, con người đã và đang "đáp trả" thiên nhiên bằng gì? Bằng những đô thị rộng lớn, nhiều tổ hợp công trình đồ sộ, đa chức năng... nhưng lại thiếu công viên cây xanh, bệnh viện, trường học và thừa sự ô nhiễm. Bằng những dự án kiến trúc - quy hoạch với vốn đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả sử dụng thấp do thiếu tầm nhìn, thậm chí còn bỏ hoang, lãng phí...
Chúng ta xây nhiều khu hỗn hợp thương mại, nhưng lại rất thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. Chúng ta quá tập trung vào việc lấy đất nông nghiệp, lâm nghiệp để làm sân golf, xây khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhưng lại lơ đãng với nhà ở của nông dân cũng như môi trường cảnh quan ở nông thôn, của đồng bào vùng lũ lụt, đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa,...
Cả nước đã và đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với Bộ tiêu chí quốc gia cụ thể, kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân nông thôn. Nhưng sau hơn 10 năm, có lẽ chúng ta cũng nhận ra: Không thể "mặc đồng phục" cho chương trình này trên khắp cả nước, mà cần dựa trên tính đặc thù (môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa-xã hội) của mỗi vùng miền, từ đó triển khai đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn.
Chúng ta đã có, nhưng cần nhiều hơn nữa, những dự án "vị dân sinh", như đề án "Xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; Chương trình thiện nguyện xây dựng 100 cây cầu dân sinh "kết nối bờ vui" từ cuối năm 2022...
Để thấy, hơn bao giờ hết, sự thể hiện vai trò của kiến trúc sư Việt Nam trong quá trình kiến tạo không gian sống an toàn, bền vững, và đậm tính nhân văn dành cho/cùng với đồng bào của mình, như đã từng được thể hiện rõ nét trong quá khứ, là rất cấp bách. Đó cũng chính là trách nhiệm, là nghĩa vụ xã hội cao cả của kiến trúc sư, trong bối cảnh nhân loại đang đứng trước những thách thức to lớn của năm cuộc khủng hoảng: dân số, lương thực, năng lượng, tài nguyên và sinh thái.